Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất

ThienNhien.Net – Xây dựng ngành hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như phân bón, sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa chất tinh khiết, hóa dược, hóa chất tiêu dùng…

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”.

Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hoá chất đạt bình quân từ 14% đến 16% và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt đến 14% vào năm 2020 và đạt khoảng 15% vào năm 2030.

Mở rộng nhóm sản xuất phân bón hữu cơ 

Theo Quy hoạch, đến năm 2020, chuyển dần các cơ sở sản xuất phân supe lân đơn sang sản xuất supe lân giàu chứa khoảng 28% P2O5; sản xuất phân đa thành phần NPK có tổng hàm lượng chất dinh dưỡng khoảng 30-40%; đầu tư sản xuất phân bón lá chứa các chất dinh dưỡng đa lượng, vi lượng, chất kích thích sinh trưởng; mở rộng sản xuất nhóm phân bón hữu cơ với tổng công suất khoảng 500.000 tấn/năm trên cơ sở những nguồn nguyên liệu có sẵn.

Tiếp tục đầu tư và cải tạo mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2, nâng tổng công suất các nhà máy DAP lên 1.000.000 tấn/năm; nhà máy phân kali tại Lào công suất giai đoạn đầu là 320.000 tấn/năm, sau đó xem xét mở rộng, nâng công suất nhà máy trên lên 700.000 tấn/năm; các nhà máy phân bón NPK với tổng công suất từ 3,5 đến 4,0 triệu tấn/năm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nâng tổng công suất các nhà máy phân lân nung chảy lên khoảng 1,0-1,2 triệu tấn/năm.

Phấn đấu đến năm 2020 có thể sản xuất, gia công các hoá chất bảo vệ thực vật đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước; nâng công suất sản xuất hoạt chất gốc cacbamat kỹ thuật lên 10.000 tấn/năm…

Đáp ứng cơ bản nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược

Về quy hoạch phát triển nhóm sản phẩm hóa dầu, đến năm 2020, đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất axit terephthalic (PTA) công suất 300.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất nhựa polystyren (PS) công suất 60.000 tấn/năm; các nhà máy: Xơ sợi tổng hợp polyeste công suất 270.000 tấn/năm và nhà máy nhựa polypropylen (PP) công suất 300.000 tấn/năm; nhà máy mono etylen glycol (MEG) công suất 200.000 tấn/năm…

Về quy hoạch phát triển nhóm sản phẩm hóa dược, sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và quản lý nhằm đáp ứng về cơ bản nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược; đầu tư xây dựng mới nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp công suất 150-200 tấn/năm, nhà máy sản xuất hoá dược vô cơ và tá dược thông thường công suất 200-400 tấn/năm, nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1 tổng công suất 600 tấn/năm, nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 2, 3 và 4 công suất 150 tấn/năm…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng 15.118 triệu USD.