Phát triển nông nghiệp hữu cơ để giảm biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – “Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại cho con người những sản phẩm sạch mà còn góp phần giảm biến đổi khí hậu.” Chuyên gia Cory Whitney (Liên đoàn Quốc tế các phong trào Nông nghiệp hữu cơ) đã nhận định như vậy trong buổi tọa đàm “Nông nghiệp hữu cơ – Tiềm năng trong biến đổi khí hậu” được Viện Rosa Luxemburg và Mạng lưới Thế hệ xanh phối hợp tổ chức sáng 17/11 tại Hà Nội.

Trồng rau sạch ở ngoại thành Hà Nội

Theo Cory Whitney, hiện nông nghiệp chiếm 13% trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, bên cạnh đó là 18% do đất rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên nông nghiệp cũng chiếm một phần không nhỏ trong con số 18% này. “Khi người dân du canh du cư phá rừng để lấy đất sản xuất đồng nghĩa với lớp đất sẽ bị rửa trôi, và như vậy đã góp phần làm biến đổi khí hậu,” Cory giải thích.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ giải được bài toán này, mặt đất sẽ luôn được phủ xanh bởi các loại cây phù hợp với từng vùng mà không cần dùng đến hóa chất. Đất được phục hồi một cách tự nhiên, biến thành một “miếng xốp” có khả năng thấm hút và giữ nước nên sẽ giảm thiểu được cả hạn hán và lũ lụt. Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ tạo ra được những nông sản phẩm có chất lượng cao và hoàn toàn bảo đảm sức khỏe cho con người. Vì sản xuất theo cách tự nhiên nên nông nghiệp hữu cơ cũng được coi là lành mạnh, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái. Các sản phẩm hữu cơ có thể xuất khẩu với giá cao hơn những nông sản bình thường và vì thế góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.

Cory Whitney cho rằng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới manh nha nên còn nhiều tiềm năng phát triển. Thuận lợi là Việt Nam có thị trường tiêu thụ rộng lớn và phát triển nhanh, hơn 70% dân số làm nông nghiệp nên có nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên hiện nay giá thành các sản phẩm này ở Việt Nam khá cao, chỉ một số ít người giàu có thể tiêu dùng được. “Nông nghiệp hữu cơ cần đầu tư rất lớn về tiền bạc, công sức, nghiên cứu tìm ra những giống thích hợp với từng vùng nên một vài tổ chức hoặc cá nhân không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của chính phủ. Việt Nam cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ để họ có thể mở rộng diện tích canh tác, tiếp cận và mở rộng thị trường. Song song với đó là nâng cao nhận thức cho người dân ưu tiên sử dụng những sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ, càng nhiều người tiêu dùng thì giá thành sẽ hạ.”