Mảng tối – sáng trong chuyển đổi lâm trường quốc doanh

ThienNhien.Net – Sau nhiều năm phân hóa, chuyển đổi, các lâm trường quốc doanh lần lượt trở thành các công ty lâm nghiệp rồi công ty TNHH nhà nước một thành viên lâm nghiệp. Mục tiêu của công cuộc chuyển đổi là nhằm đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các lâm trường, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường dài gần một thập kỷ, bài toán chuyển đổi ở các lâm trường thực chất vẫn chỉ dừng ở một cuộc đổi tên.

Không còn là miền đất hứa

Ra đời từ những năm 1950 dưới hình thức những công trường khai thác gỗ nhưng phải gần 10 năm sau cái tên “lâm trường quốc doanh” mới chính thức “ra lò” với chức năng chủ yếu là quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác và vận chuyển gỗ.

Năm 2003, Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành. Các lâm trường quốc doanh lần đầu tiên được phép cởi bỏ “tấm áo cũ” để chuyển đổi thành các công ty lâm nghiệp. Tuy đặt rất nhiều kỳ vọng trong lần chuyển đổi mới mẻ này nhưng rút cục, cơ chế hoạt động ở các công ty lâm nghiệp vẫn không mấy chuyển biến, những hạn chế về quy mô và năng lực hoạt động cơ bản vẫn tiếp diễn. Tình trạng trì trệ tiếp tục kéo dài cho tới nay, mặc dù tháng 3 năm 2010, Chính phủ đã ban hành nghị định yêu cầu các công ty lâm nghiệp trên cả nước tiếp tục chuyển đổi thành các công ty TNHH nhà nước một thành viên lâm nghiệp.

Nhìn lại quá khứ, lâm trường quốc doanh đã có thời được xem là miền đất hứa, là lực lượng chủ đạo thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về khai thác gỗ, lâm sản và trồng rừng. Không chỉ giúp tăng sản lượng lâm nghiệp, các lâm trường còn góp phần xây dựng hàng ngàn km đường, hàng trăm cụm dân cư gắn với những cơ sở văn hóa, xã hội, thu hút hàng vạn lao động từ miền xuôi lên miền ngược mở mang, phát triển kinh tế, tạo thành phong trào nhà nhà sản xuất, người người sản xuất. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bước sang cơ chế thị trường, hoạt động của lâm trường quốc doanh bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, chệch choạc, nổi cộm nhất là vấn đề về quản lý đất và quản lý, sử dụng tài nguyên rừng.

Về đất đai

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trước thời kỳ sắp xếp, đổi mới, tổng diện tích đất ở các lâm trường quốc doanh vào khoảng 4,1 triệu ha nhưng sau khi sắp xếp thì chỉ còn lại 3,4 triệu ha. Phần lớn diện tích đất bị hao hụt là do người dân, thậm chí chính một số lâm trường tham gia lấn chiếm, biến thành đất tư. Không ít địa phương cũng “vô tư” giao đất lâm trường cho các tổ chức, cá nhân, khiến tình trạng xâm lấn, tranh chấp ngày càng phức tạp. Tổng diện tích đất bị tranh chấp, lấn chiếm lên tới 129.388 ha, tăng 75.507 ha so với trước khi sắp xếp.

Điều đáng nói là phần lớn các lâm trường chưa tiến hành rà soát trên thực địa và xác định quy hoạch sử dụng đất sau rà soát; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa thực hiện việc thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất để kinh doanh lâm nghiệp.

Một số công ty lâm nghiệp được địa phương cấp kinh phí hoặc tự ứng kinh phí thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ngay cả khi đã nhận được tờ giấy này thì công ty lại không dám nhận vì nếu nhận, sẽ phải thực hiện ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm trong khi đơn vị chưa có khả năng chi trả.

Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng có nghĩa các công ty lâm nghiệp mất đi nhiều cơ hội vay vốn, liên doanh liên kết,… khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh ngày càng trì trệ, thậm chí thua lỗ, vỡ nợ.

Không ít lâm trường quốc doanh cho đến nayvẫn chưa tìm được mô hình hoạt động hiệu quả (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Về quản lý sử dụng rừng

Hiện nay, việc tổ chức khai thác, tiêu thụ lâm sản phần lớn do các công ty tổ chức thực hiện, tiền bán đấu giá gỗ sau khai thác được sử dụng theo quy định của tỉnh, một phần được giữ lại tại công ty để thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, UBND tỉnh kiêm nhiệm hầu hết các phần việc nêu trên, toàn bộ số tiền thu được đều nộp ngân sách địa phương, do đó các công ty lâm nghiệp hầu như không có quyền lợi trực tiếp gắn với trách nhiệm được giao dẫn tới việc sử dụng rừng gắn với trách nhiệm quản lý rừng kém hiệu quả.

Với rừng nghèo kiệt cần khoanh nuôi bảo vệ và rừng phòng hộ đan xen, tuy được giao nhiệm vụ tổ chức quản lý bảo vệ nhưng các công ty lâm nghiệp lại không được bố trí đủ kinh phí để thực hiện.

Khó khăn về tài chính, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực là rào cản phổ biến đối với các lâm trường quốc doanh. Phần lớn có số vốn tương đối thấp sau khi chuyển đổi (trung bình 5,4 tỷ đồng ở thời điểm 2006), lại chưa được cấp bổ sung vốn lưu động, vốn đầu tư trồng rừng chủ yếu dựa vào nguồn vay từ ngân hàng với hạn mức thấp, phải trả lãi sau khi vay và phải có vốn đối ứng. Lâm trường Yên Bình (tỉnh Yên Bái) chỉ là một trong nhiều công ty lâm nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nợ gối nợ. Do thiếu vốn đầu tư và công nghệ khai thác nên đơn vị này buộc phải khai thác non các loại lâm sản, dẫn đến giá trị thu lợi thấp, chỉ tạm đủ tái đầu tư trồng rừng và đóng bảo hiểm cho công nhân.

Không thể phủ nhận đã có những đại diện tiêu biểu thực hiện tương đối thành công mô hình chuyển đổi, như Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế, Bắc Giang; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Tum… Hầu hết các đơn vị này đều biết tận dụng lợi thế về vốn, nhân lực để liên kết sản xuất, kinh doanh với một số tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, số đông vẫn là những đơn vị vướng phải những khó khăn nêu trên, vì thế việc tìm ra các giải pháp toàn cục vẫn đặt ra cấp bách.

Cần hơn nữa sự quan tâm của Nhà nước

Có những ý kiến doanh nghiệp bức xúc, cho rằng điểm thay đổi lớn nhất trong chuyển đổi lâm trường quốc doanh chỉ là việc giám đốc được quyền chủ động bổ nhiệm nhân sự từ cấp phó giám đốc trở xuống, các công việc khác thì vẫn như cũ, thậm chí gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề về đất đai, vốn liếng và sản xuất kinh doanh. Như vậy để thấy rằng, việc chuyển đổi các lâm trường quốc doanh xét về mặt định hướng là tích cực, nhưng sự thiếu hướng dẫn chi tiết về cơ chế quản lý cộng thêm những tồn tại cố hữu khiến bản thân các lâm trường quốc doanh khó có thể tìm được sự bứt phá, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường vốn cần nhiều nguồn vốn và nhân lực.

Thay bằng việc để họ phải tự “bơi”, ông Lê Văn Bách, Phụ trách Ban Chính sách về các tổ chức quản lý rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng, Nhà nước cần định hướng rõ mục tiêu, quan điểm đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể về đất đai; quản lý, sử dụng rừng; khai thác, chế biến lâm sản; tài chính đầu tư; khoa học công nghệ và tổ chức hoạt động.

Cụ thể, Nhà nước cần đảm bảo kinh phí thực hiện rà soát, cắm mốc, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các lâm trường; trong giai đoạn 2011 – 2015 miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với đất rừng sản xuất để hỗ trợ tăng tích lũy vốn và tái đầu tư; nghiên cứu giảm mức thuế suất sản phẩm khai thác chính từ rừng tự nhiên từ 10 – 35% xuống còn 1 – 10%; đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với phát triển kinh tế trong vùng hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ lâm trường ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến sản phẩm…

Một số công ty lâm nghiệp cũng đề nghị Nhà nước mở rộng chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với họ; miền tiền sử dụng đất, miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép các chủ rừng chủ động khai thác gỗ và lâm sản theo phương án quản lý bền vững; cho phép hạch toán những khoản chi phí như quản lý bảo vệ rừng, các khoản đầu tư hỗ trợ người dân… vào giá thành sản phẩm; thu tiền dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư trồng rừng và khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ và xử lý nghiêm các hành vi chặt phá rừng, xâm lấn đất đai tại lâm trường.

Hy vọng, với một quyết tâm lớn của chính phủ và của bản thân các đơn vị, khối lâm trường quốc doanh (trước đây) sẽ thực sự chuyển mình, thoát khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”.