Trẻ em đi 36 vòng quanh trái đất tới Bali

ThienNhien.Net – Ngày 07/12, đại diện học sinh của trường Mặt trời mọc tại Bali đã đến hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (UNFCCC) để trao tặng hơn 1,4 triệu “dấu ấn xanh” của trẻ em trên khắp thế giới. Mỗi dấu ấn xanh là một chuyến đi bằng phương tiện thân thiện môi trường của trẻ em, trong chiến dịch “Phóng tầm mắt – Trẻ em hưởng ứng năm khí hậu thế giới 2007”.

Hơn 128.000 trẻ em từ các châu lục Âu, Á, Úc đã hưởng ứng chiến dịch này. Theo bà Claudia Schury, đại diện của Liên minh khí hậu tại châu Âu – mạng lưới phát động chiến dịch trên để có được 1.457.039 dấu ấn xanh, trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 10 tuổi đã di chuyển một quãng đường tương đương 36 vòng quanh trái đất.

Ulkrike Janssen, giám đốc của Liên minh khí hậu nhận xét: “Quãng đường các em đi được xa hơn 80% so với dự kiến. Ban đầu, những người phát động chiến dịch đề ra mục tiêu trẻ em sẽ đi được quãng đường tương đương 20 vòng quanh trái đất, với mong muốn những gì Nghị thư Kyoto trong 10 năm chưa làm được thì trong 10 năm tới, trẻ em sẽ tiếp tục góp phần của mình để bảo vệ khí hậu.

Ulkrike tâm sự: “Chúng tôi thực sự vui mừng khi chứng kiến những nỗ lực của trẻ em chống lại biến đổi khí hậu. Chúng tôi hứa sẽ truyền đi thông điệp của các em về những gì các em lo ngại cho môi trường toàn cầu đến các thành viên của Hội nghị”.

Chiều ngày 07/12, 21 học sinh của trường Mặt trời mọc đại diện trẻ em khắp thế giới bày tỏ sự lo ngại với Tổng thư ký của UNFCCC Yvo de Boer. Ông Yvo ghi nhận và coi đây như một điển hình mà người lớn cần học tập: “Không chỉ có trẻ em ở châu Âu mà trẻ em ở Úc, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương cũng tham gia chiến dịch. Điều đó cho thấy hành động bảo vệ môi trường cần thiết trên toàn thế giới. Nỗ lực của trẻ em nhắc nhở người lớn chúng ta rằng trẻ nhỏ nhất cũng có thể tham gia nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu”.

Theo tổ chức UNICEF, trẻ em tham gia hội nghị biến đổi khí hậu để “kết nối với cộng động địa phương và quốc tế”. Qua đó, UNICEF hi vọng tạo ra tầm nhìn toàn cầu, giảm thiệt hại do các thảm họa tự nhiên và góp phần giảm tổn thương cho nhân loại.