Dừng ngay việc xâm hại Khu bảo tồn Hòn Cau!

ThienNhien.Net – Đề xuất của tỉnh Bình Thuận về cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau là không thể chấp nhận.

061216-honcau2
LTS: Liên tiếp trong những số báo qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về đề xuất cắt giảm hơn 1.000 ha Khu bảo tồn biển Hòn Cau của UBND tỉnh Bình Thuận để nhường biển cho các dự án nhiệt điện ở đây. Vấn đề đáng nói là dù Bộ NN&PTNT đã bác đề xuất này nhưng Bình Thuận cho hay sẽ tiếp tục kiến nghị cắt giảm.061216-chuyengia

Để hiểu rõ hơn tác động hết sức nguy hại của việc cắt giảm diện tích khu bảo tồn biển đặc biệt quý hiếm này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, người đã dày công nghiên cứu về Hòn Cau.

Hơn 1.000 ha mà tỉnh Bình Thuận đề xuất cắt giảm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là không đáng gì nếu so với biển cả. Nhưng với vùng biển Bình Thuận nói chung, Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng, nó cực kỳ quan trọng. Bởi đây là vùng nước trồi, là ngư trường rất lớn của Việt Nam, là vùng biển có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học.

Khó bù đắp nổi thiệt hại

Nhiều tổ chức, nhà khoa học nghiên cứu nhiều năm liền mới đề xuất và được Thủ tướng phê duyệt Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây chính là cái nôi sinh trưởng, là trung tâm phát triển các nguồn lợi đa dạng sinh học. Muốn phát triển kinh tế biển lâu dài, bền vững phải có đa dạng sinh học. Chính vì thế, khu bảo tồn này có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn về môi trường, kinh tế, xã hội. Viện Hải dương học Nha Trang và cá nhân tôi đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu rất nhiều về vùng biển này nên tôi khẳng định như vậy!

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn về môi trường, kinh tế, xã hội. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Khu bảo tồn biển Hòn Cau có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn về môi trường, kinh tế, xã hội. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Đề xuất của tỉnh Bình Thuận về cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau là không thể chấp nhận, bởi nó chưa có cơ sở khoa học, chưa được đánh giá một cách đầy đủ về tác động trước mắt cũng như lâu dài của các cơ quan quản lý, tổ chức về môi trường, các nhà khoa học. Trước đây, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu m3 thải xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã là điều không thể được. Nay tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục đề xuất cắt giảm diện tích khu bảo tồn biển để phục vụ các dự án nhiệt điện. Trong khi một số bộ, cơ quan quản lý nhà nước đã bác bỏ đề xuất này nhưng không hiểu sao tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục theo đuổi đề xuất của mình. Việc này có cần thiết đến mức thế không?

Khi muốn đề xuất cắt giảm, anh cần phải có những cơ quan chuyên môn có trách nhiệm đánh giá lại tác động một cách hết sức kỹ lưỡng, khoa học, minh bạch. Mặt khác, anh phải chứng minh một cách thuyết phục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về lợi ích về kinh tế-xã hội, cả sự ổn định cho vùng biển này.

Cũng xin nói rõ chỉ cần các nhà máy nhiệt điện làm tăng lên khoảng 1 độ đối với vùng biển này là đã làm hư hại toàn bộ đa dạng sinh học, tức là phá đi nền tảng, xương sống để phát triển kinh tế biển. Nguồn lợi thu được từ các nhà máy nhiệt điện không thể nào bù đắp được sự mất mát ấy.

Ai quyết phải chịu trách nhiệm với lịch sử

Chúng ta có thể dễ dàng có hàng ngàn dự án phát triển kinh tế nhưng không thể nào tạo ra một Khu bảo tồn biển như vậy! Tại sao tỉnh Bình Thuận chỉ nghĩ đến việc cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau mà không điều chỉnh diện tích, phạm vi các dự án? Việc này vì lợi ích của ai? Nếu vì lợi ích của một tập đoàn, một nhóm hay cá nhân nào đó thì phải dừng lại ngay đề xuất này! Kể cả vì lợi ích chung cũng phải dừng lại để đánh giá tác động một cách hết sức nghiêm túc, thận trọng. Không thể lấy lợi ích trước mắt của một dự án để đánh đổi môi trường của cả một vùng biển cho tương lai lâu dài được.

Chính phủ đã cam kết trước toàn dân là không phát triển bằng bất cứ giá nào. Giá ở đây hiểu ra sao? Tỉnh Bình Thuận thực hiện chủ trương này như thế nào? Tôi cho rằng ai đề xuất cắt giảm hay xâm hại Khu bảo tồn biển Hòn Cau thì phải chịu trách nhiệm với lịch sử!

Hiện nay giới khoa học chúng tôi hết sức lo lắng, bức xúc trước rất nhiều vấn đề về môi trường, đa dạng sinh học của cả một vùng biển đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là với các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, thép Cà Ná ở vùng biển Bình Thuận – Ninh Thuận vì đây là vùng nước trồi rất quan trọng của Việt Nam.

TS NGUYỄN TÁC AN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam

Sẽ đề nghị Chính phủ không được cắt giảm Khu bảo tồn Hòn Cau

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về việc cắt giảm diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau cho nhiệt điện, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, nói bà không đồng tình việc này. Theo bà Khánh, hiện nay các khu bảo tồn ở nước ta đang ngày càng thu hẹp, nếu cứ cắt giảm thêm, cũng như đồng ý để cắt giảm nó sẽ tạo ra những tiền lệ xấu sau này không chỉ riêng với Hòn Cau mà còn nhiều khu bảo tồn khác.

“Trong trường hợp các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cứ nhất định đòi cắt, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ làm rõ các đề xuất của Bình Thuận và đề nghị không đồng ý đối với việc cắt giảm diện tích Hòn Cau. Kể cả ra Quốc hội tôi cũng sẽ giữ nguyên quan điểm không đồng ý việc cắt giảm này” – ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh khẳng định.

ĐẶNG TRUNG