Mặt trái của du lịch: Liệu Đông Nam Á có thể cứu vãn các kho báu tự nhiên?

Từ Thái Lan đến Bali, khách du lịch – phần lớn đến từ Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng khác – đang gia tăng chóng mặt, đẩy các hệ sinh thái nhạy cảm đến điểm tan vỡ.

Một số quốc gia đang cố gắng kiểm soát sự bùng nổ, chẳng hạn như đóng cửa một vài điểm đến phổ biến để các khu vực bị thiệt hại được chữa lành.

Vịnh Maya của Thái Lan từng là một vũng nhỏ yên tĩnh ngập tràn sinh vật biển, mỗi ngày chỉ vài khách du lịch ghé thăm. Sau đó, bộ phim The Beach được công chiếu năm 2000, với sự tham gia của tài tử Leonardo DiCaprio, kể về một nhà thám hiểm người Mỹ trẻ tuổi trên một hòn đảo kỳ lạ. Năm 2018, mỗi ngày có tới 5.000 khách du lịch đến thăm vịnh, nơi bộ phim được quay.

Vịnh Maya ở Thái Lan thu hút 5.000 khách du lịch mỗi ngày trước khi chính phủ đóng cửa khu vực để hệ sinh thái phục hồi (Ảnh: Shutterstock)

Các chuyên gia hải dương cho biết rạn san hô thiệt hại nghiêm trọng do mỏ neo và những người lặn biển bôi kem chống nắng có chứa một chất hóa học độc hại đối với san hô chưa trưởng thành. Cục Vườn quốc gia của Thái Lan cảnh báo hơn 50% san hô trong vịnh có dấu hiệu bị hư hại khiến cơ quan này buộc phải đóng cửa vịnh Maya vô thời hạn “cho đến khi tài nguyên thiên nhiên hồi phục bình thường”.

Tại Philippines, hòn đảo thiên đường nhỏ Boracay với diện tích 4 dặm vuông bị tràn ngập bởi 2 triệu du khách trong năm 2017, nhiều người đến bằng tàu du lịch. Năm ngoái, với hàng trăm doanh nghiệp và khu lưu trú đổ nước thải xuống biển, chính quyền cũng buộc đóng cửa hòn đảo trong sáu tháng để thực hiện hoạt động dọn dẹp quy mô lớn và lên kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng du khách.

Ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long – địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nước – với hàng nghìn hòn đảo đá vôi đủ hình dạng và kích cỡ nhô lên từ mặt biển cũng bùng phát lượng khách du lịch khiến hệ sinh thái quá tải. Các quan chức nói rằng trong năm 2017, gần 7 triệu du khách đã đến thăm vịnh, một Di sản Thế giới của UNESCO; khoảng một nửa là khách quốc tế – phần nhiều đến từ Trung Quốc. Hàng trăm con tàu qua lại trên vịnh mỗi ngày, thường xả chất thải của con người xuống biển. Khách du lịch ngày càng tỏ ra ngạc nhiên không phải ở cảnh quan mà là lượng rác trong nước hoặc do đám đông bỏ lại.

Một chuyên gia cho rằng du lịch Đông Nam Á không chỉ yếu kém về mặt quản lý mà còn không được quản lý

Trên khắp thế giới, lượng khách du lịch đang tăng lên – phần nhiều đến từ các quốc gia có hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi – đang gây áp lực lên các khu vực tự nhiên huyền thoại, từ vùng núi Patagonia đến các vườn quốc gia ở miền tây Hoa Kỳ hay cảnh quan vùng Bắc Cực của Iceland. Nhưng không nơi nào gặp vấn đề gay gắt như ở Đông Nam Á – nơi nổi danh với những bãi biển, rừng nhiệt đới và hòn đảo mênh mông.

Nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á không chỉ tập trung và phụ thuộc vào du khách nước ngoài mà các điểm đi nghỉ tại đây cũng gần với Trung Quốc, trong đó, công dân nước này ước tính đã thực hiện 150 triệu chuyến đi nước ngoài vào năm ngoái, tăng 15 lần so với năm 2000.

Andrew Hewett thuộc Phi Phi Island Conservation and Preservation Group có trụ sở tại Thái Lan nói rằng bộ mặt và phương thức du lịch ở Đông Nam Á đã thay đổi đáng kể trong 10 đến 12 năm qua. Trước đây, hầu hết khách du lịch trong khu vực đến từ Úc, Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản, nhiều người đến theo nhóm nhỏ hoặc theo dạng khách ba lô.

Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ thống trị, khách du lịch từ những nước này thường đến theo kiểu Hewett gọi là “nhóm thuê bao đại chúng”.

Khách du lịch ngồi giữa rác thải nhựa trên bãi biển Kuta, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Bali (Ảnh: Agung Parameswara/Getty Images)

Nhóm lớn hơn có nghĩa là những chiếc thuyền lớn hơn, nhiều dầu và chất thải bị thải vào nước hơn. Cũng có nghĩa là nhiều hơn rác thải và chất thải của con người, và thiệt hại nhiều hơn với môi trường nhạy cảm cả dưới biển lẫn trên cạn.

Cho đến gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á, vì cần việc làm mới và doanh thu tăng vọt, đã gần như không làm gì để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường tự nhiên – yếu tố hàng đầu thu hút khách du lịch.

Randy Durband, Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu, nói rằng: “Tôi cho là không phải du lịch được quản lý tồi mà thật ra không được quản lý. Đông Nam Á là một trong những khu vực tệ nhất trên thế giới về các vấn đề mà chúng ta đang nói đến”.

Số lượng khách du lịch hiện đang đổ vào Đông Nam Á tới mức “đáng kinh ngạc”, theo Megan Epler Wood, Giám đốc Sáng kiến Du lịch bền vững quốc tế thuộc Harvard T.H. Chan School of Public Health kiêm Chủ tịch EplerWood International, một công ty hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch bền vững.

Thái Lan, một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về du lịch quốc tế, đã đón hơn 38 triệu du khách trong năm 2018, tăng gấp ba lần so với 15 năm trước. Từ năm 2016 đến 2017, số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Việt Nam tăng 30%, và sau đó thêm 2,5 triệu khách vào năm 2018, nâng tổng số khách du lịch nước ngoài lên 15,5 triệu.

Một báo cáo được The Travel Foundation, Đại học Cornell và EplerWood International phát hành cuối tháng trước cho thấy phần lớn Đông Nam Á thiếu năng lực địa phương để quản lý các tác động môi trường từ du lịch.

Gánh nặng vô hình đằng sau những con số tăng vọt

Epler Wood, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Gánh nặng vô hình là những tác động xã hội và môi trường từ du lịch không được tính đến khi các quốc gia xem xét các tác động kinh tế. Khi mỗi khách du lịch đến một quốc gia là mang lại chi tiêu. Điều này không phân phối đồng đều trong toàn bộ nền kinh tế và nơi thất bại lại là bảo vệ môi trường”.

Việc khách du lịch đổ dồn vào các khu vực như Bãi biển Maya, Vịnh Hạ Long hay Bali đã tăng chi phí lên môi trường theo nhiều cách quan trọng. Một là xử lý chất thải của con người. Thứ hai là hàng núi rác và túi nilon chất đống ở những nơi từng đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm thì nay đón hàng triệu. Thứ ba là thiệt hại cho môi trường khi tàu du lịch hoặc máy bay rời khỏi sẽ thổi tung các hệ sinh thái mỏng manh.

Cảnh sát thu gom rác trên đảo Boracay ở Philippines vào tháng 4 năm ngoái, vài ngày sau khi bãi biển nổi tiếng này bị đóng cửa với khách du lịch để giải quyết vấn đề ô nhiễm (Ảnh: Erik De Castro/Reuters)

Đảo Boracay ở Philippines, từng được tạp chí Travel and Leisure xướng danh là hòn đảo tốt nhất thế giới, trở thành câu chuyện cảnh báo về những gì có thể xảy ra với một địa điểm khi ngập tràn du khách. Ngày càng có nhiều du khách đổ về đảo trong những năm gần đây để tận hưởng những bãi biển cát trắng và làn nước màu ngọc lam vào ban ngày cùng tiệc tùng ồn ã vào ban đêm, môi trường đảo đạt đến điểm tan vỡ.

Một cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy 716/834 doanh nghiệp và khu lưu trú thiếu giấy phép nước thải và nhiều người đang xả thải ra biển. Đội quân khách du lịch, đôi khi đạt gần 20.000 người mỗi ngày, xả rác khắp hòn đảo và quấy rối động vật hoang dã, kể cả rùa biển.

Tháng 4 năm ngoái, sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng việc xả nước thải không được kiểm soát đã biến vùng biển trong veo của Boracay trở thành “bồn cầu”, nhà chức trách đóng cửa đảo với khách du lịch trong sáu tháng.

Đảo Boracay ở Philippines buộc phải đóng cửa trong 6 tháng để khắc phục vấn đề xả nước thải không kiểm soát

Họ giới hạn lượng khách ở mức 6.400/ngày, yêu cầu các khách sạn và doanh nghiệp khác lắp đặt hệ thống xử lý nước thải phù hợp, bắt buộc khách du lịch phải ở trong các khách sạn được chính phủ công nhận đạt chuẩn vệ sinh, cấm nhựa sử dụng một lần, áp các khoản phạt nặng cho lỗi xả rác và yêu cầu môn mô tô nước hoạt động cách bờ hơn 100 mét. Hòn đảo này được mở cửa trở lại cho khách du lịch kể từ tháng 10, mặc dù các quan chức cho biết việc phục hồi Boracay sẽ mất ít nhất hai năm.

Tôi tin rằng việc đóng cửa phục vụ mục đích để Boracay được nghỉ ngơi xứng đáng và cho phép cải thiện. Boracay chỉ nên đón những khách du lịch chất lượng. [Nó] không nên được định vị là một hòn đảo tiệc tùng mà là phải một ví dụ về du lịch bền vững”, John Paolo R. Rivera, Phó giám đốc Trung tâm Du lịch Andrew L. Tan thuộc Học viện Quản lý Châu Á có trụ sở tại Philippines chia sẻ.

Cũng quá tải như thế, bãi biển Maya ở Thái Lan vẫn đóng cửa với khách du lịch. Tuyên bố cấm cửa du khách vào tháng 6 năm 2018, ban đầu chính phủ Thái Lan dự định mở lại khu nghỉ mát vào tháng 10, nhưng trước mắt vẫn giữ quyết định đóng cửa. Công việc phục hồi chính liên quan đến việc trồng lại san hô trên các rạn san hô bị hư hỏng nặng. Khách du lịch biến mất, một số sinh vật biển đang quay trở lại bãi biển Maya, bao gồm hàng chục con cá mập vây đen được video ghi lại vào mùa thu năm ngoái.

Một hệ sinh thái Đông Nam Á mong manh khác phải đối mặt với áp lực du lịch ngày càng tăng, và có nguy cơ đóng cửa là Vườn quốc gia Komodo ở miền đông Indonesia. Đây là sinh cảnh duy nhất trên hành tinh của rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới, cũng như các loài khác như bò biển – một động vật có vú sống ở biển – và 260 loài san hô khác nhau.

Số lượng du khách đến đảo Komodo để lặn biển ngắm các rạn san hô ngoạn mục của nó, bơi dưới thác nước, chèo thuyền kayak qua rừng ngập mặn và nhìn thấy rồng Komodo đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây, từ 80.000 vào năm 2014 lên tới 159.000 vào năm ngoái.

Gần đây, sân bay gần đảo Komodo sẽ nâng câp và mở rộng sức chứa lên 1,5 triệu hành khách mỗi năm, gây thêm áp lực cho vườn quốc gia – Di sản Thế giới của UNESCO. Tàu du lịch, chở tới 1.200 hành khách, cũng đang ghé vào vườn quốc gia thường xuyên hơn. Các nhà phát triển hy vọng đón lượng khách ngày càng tăng, nhưng các nhà bảo tồn và quan chức chính phủ thì lo ngại về các áp lực môi trường như ô nhiễm, thiếu nước ngọt và hủy hoại sinh cảnh.

Xây dựng chiến lược là điều cần thiết để bảo tồn tính toàn vẹn của các điểm đến – lý do du khách bị thu hút và sẵn sàng trả tiền để ghé thăm.

Các quan chức đã dự tính về việc đóng cửa tạm thời hòn đảo để vương quốc của rồng Komodo có cơ hội phục hồi sau thiệt hại do khách du lịch gây ra. Tuy nhiên, khi những kẻ buôn bán động vật hoang dã bị bắt giữ vào cuối tháng 3 do săn trộm 41 con rồng Komodo và bán với giá 35.000 USD trên thị trường chợ đen, quyết định này đã được chốt hạ.

Theo đó, Komodo cấm cửa du khách bắt đầu vào năm 2020 để bổ sung quần thể rồng và khôi phục sinh cảnh hoang dã bằng những khu rừng mới trồng thực vật bản địa (các khu vực khác trong vườn quốc gia thì sẽ vẫn mở cửa).

Nhóm của Epler Wood tin rằng việc đóng cửa chỉ nên được coi là biện pháp cuối cùng.

Chúng tôi không ủng hộ việc đóng cửa trừ khi khẩn cấp. Chúng tôi khuyến nghị việc quản lý cân bằng cung cầu và đo lường các phản ứng dựa trên kế hoạch và khoa học liên quan đến việc thường xuyên đo điểm chuẩn, như kiểm tra nước, để bạn có thể thấy rằng sắp có vấn đề và cần phải hành động”.

James Sano, Phó chủ tịch phụ trách du lịch và bảo tồn của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, nói rằng sự bùng nổ du lịch của Đông Nam Á là một mối đe dọa rõ ràng đối với “các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa” của khu vực. Ông cho rằng tất cả những ai liên can, kể cả ngành công nghiệp du lịch, các quan chức quốc gia và địa phương, phải phát triển các chiến lược đối phó với tác động môi trường, văn hóa và kinh tế “nhằm bảo tồn tính toàn vẹn của điểm đến – lý do tại sao khách du lịch bị lôi kéo đến khu vực”.

Các điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long ở Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng rằng phải làm gì đó trước khi hàng triệu khách du lịch phá hỏng môi trường tuyệt vời mà họ đến để chiêm ngưỡng.

Ở Vịnh Hạ Long, một liên minh gồm quan chức chính phủ, doanh nghiệp địa phương, các tổ chức cấp cơ sở và các nhóm quốc tế như Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đang nỗ lực cải thiện chất lượng nước. Những nỗ lực này bao gồm cả hợp tác với người điều hành các tàu du lịch để lắp đặt công nghệ xử lý chất thải trên tàu của họ. Nhưng liệu những nỗ lực này có chứng minh được hiệu quả khi phải đối mặt với lượng khách du lịch ngày càng kéo đến đông đến xem điểm du lịch mang tính biểu tượng của Việt Nam?

Gần 7 triệu khách du lịch đã đến thăm Vịnh Hạ Long tại Việt Nam vào năm 2017 khiến vùng biển ngập rác và chất thải của con người (Ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Đảo Bali của Indonesia trong nhiều năm đã cố gắng đối phó với lượng khách du lịch tăng không ngừng. Sân bay quốc tế Bali đón hơn 5 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2018, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2001. Quy mô của các vấn đề môi trường đã tăng lên song hành với số lượng khách du lịch: phung phí nước ngọt, ô nhiễm không khí, phá hủy sinh cảnh và lượng rác thải lớn. Hơn 1.700 mẫu đất được phát triển hàng năm ở Bali. Mỗi phòng khách sạn bốn sao tiêu tốn hơn 200 lít nước mỗi ngày.

Các quan chức Bali đã đề xuất mức thuế 10USD đối với hành khách quốc tế đến bằng đường hàng không, nguồn thu này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình bảo tồn văn hóa và môi trường của đảo Bali, tập trung vào việc giải quyết vấn đề quản lý chất thải trên đảo.

Theo Cơ quan Môi trường Bali, hòn đảo thải ra 3.800 tấn rác mỗi ngày nhưng chỉ 60% số này được chôn lấp. Tháng 12 năm ngoái, Bali đã cấm các loại nhựa sử dụng một lần, như túi mua sắm và ống hút.

Một số khu vực đang thực hiện các bước đi nhằm ngăn chặn thiệt hại từ du lịch bằng cách nâng cao nhận thức của du khách.

Đối mặt với các mối đe dọa từ du lịch đại chúng, quần đảo Palau phía tây Thái Bình Dương – địa danh nổi tiếng với những tuyến đi bộ đường dài ngoạn mục, ngắm chim, lặn biển – hiện còn yêu cầu du khách ký cam kết không hủy hoại môi trường trong thời gian lưu trú. Cam kết được đóng dấu vào hộ chiếu của khách du lịch bằng câu “Tôi thề sẽ bước nhẹ, hành xử tử tế và khám phá một cách tỉnh táo. Tôi sẽ không lấy những gì không được cho phép. Tôi sẽ không làm hại những gì không làm hại tôi”.

Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)

Nguồn: