Thị trường carbon rộng mở trong ngành lâm nghiệp

Với hơn 14 triệu ha rừng, trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra nguồn lực tài chính rất lớn từ thị trường carbon rừng để tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

Ảnh minh họa

Mới đây, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới từ năm 2020 nhằm chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải ở 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 – 2025 và nhận về số tiền là 51,5 triệu USD. Theo đó, khoảng 95% lượng giảm phát thải chuyển nhượng này được sử dụng cho đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đến nay, WB đã thanh toán 41,2 triệu USD (tương đương 80% kết quả giảm phát thải đã ký kết).

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự kiến Việt Nam chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ giảm phát thải từ rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022 – 2026 với đơn giá dự kiến là 10 USD/ 1 tấn CO2. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng này cũng vẫn được Việt Nam sử dụng để đóng góp vào NDC.

Với xu hướng này, sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh là một trong những hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo phát triển kinh doanh bền vững. Sản xuất xanh là sử dụng nguyên liệu xanh, năng lượng, công nghệ ít phát thải khí nhà kính.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhìn nhận: “Hiện nay, đa số doanh nghiệp vẫn chưa nhận ra sự quan trọng của việc chuyển sang sản xuất xanh để phát triển bền vững, chưa sẵn lòng thay đổi. Đồng thời, ngành gỗ cũng chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải carbon, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không tránh khỏi”. Từ thực tế này, các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa mạnh dạn và triệt để trong việc theo đuổi sản xuất xanh hướng đến các giá trị bền vững.

Ông Bảo phân tích thêm: “Hai thị trường lớn là EU và Mỹ thời gian tới sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp gỗ cần phải thay đổi cách làm truyền thống theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại, coi đây là cơ hội để chuyển mình chứ không nên nhìn nhận là thách thức”.

Cục Lâm nghiệp cũng nhìn nhận khó khăn hiện nay là chưa có những hướng dẫn cụ thể về công nghệ chế biến lâm sản phát thải khí nhà kính bao nhiêu là xanh, hướng dẫn đo lượng khí nhà kính phát thải.

Cùng với đó, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh làm tăng phí sản xuất để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh, chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, điện xanh; thay đổi quy trình quản lý, vận hành doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên xu hướng hiện nay là người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp chế biến lâm sản đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh sẽ tạo được niềm tin, uy tín đối với khách hàng.

“Trong thời gian tới, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai thực hiện tại các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản. Các sản phẩm đạt được mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính; chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc chuyển đổi sản xuất xanh”, ông Bảo nói.

Thông tin từ Cục Lâm nghiệp cũng cho hay, hiện đơn vị này đã ghi nhận thông tin nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại địa phương như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai. Cục Lâm nghiệp cũng đang nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tín chỉ carbon rừng của toàn quốc nhằm khuyến nghị việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng cho toàn quốc.