Phục hồi sinh cảnh cho động vật hoang dã quý hiếm

Trước bối cảnh chung về tình trạng đa dạng sinh học đang bị suy thoái, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã gia tăng, các ngành, các cấp cùng với các tổ chức xã hội và nhân dân nhiều nơi đã chung tay, có những hành động thiết thực bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm.

Voọc gáy trắng sống trên núi đá vôi của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Voọc gáy trắng là loài linh trưởng đặc hữu của khu vực miền trung Việt Nam và Lào, hiện chỉ phân bố giới hạn tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Cách đây ít năm, người dân tình cờ phát hiện một số cá thể voọc gáy trắng sống trên núi đá vôi gần khu dân cư của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Tương tự, gần đây trên diện tích khoảng 30 ha rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ và Dương Bản Lầu, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có 68 cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống. Cũng giống như ở trên núi đá đang khai thác làm vật liệu xây dựng ở Quảng Bình, đàn voọc ở Quảng Nam sống trong dải rừng nghèo, hẹp trên núi đá và bị chia cắt bởi các rẫy trồng keo.

Chúng thiếu thức ăn, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Mặt khác, tác động từ con người với các hoạt động săn bắn, bẫy bắt, lấn chiếm rừng làm rẫy… làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các đàn linh trưởng quý hiếm này.

Theo các nhà khoa học, đây là hai quần thể voọc hiếm gặp trên thế giới khi môi trường và sinh cảnh của chúng không phải là rừng đặc dụng mà ngược lại dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Chúng sống thân thiện gần với cộng đồng.

Nhờ sự chung tay bảo vệ của người dân và sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, các đàn voọc đã được bảo tồn và phát triển qua từng năm. Đến nay, có ít nhất 22 đàn voọc gáy trắng với 156 cá thể chủ yếu sinh sống tại hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Để tạo môi trường và không gian sống cho đàn voọc, tỉnh Quảng Bình quyết định thu hồi nhiều diện tích núi đá vôi đã giao cho doanh nghiệp làm mỏ vật liệu và chuyển thành khu vực quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích hơn 500 ha. Đồng thời giao trách nhiệm bảo vệ đàn linh trưởng cho ngành Kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Người dân Tuyên Hóa thành lập tổ bảo vệ voọc gáy trắng cộng đồng mà trong đó nòng cốt chính là những người từng là thợ săn.

Còn ở Quảng Nam, được sự hỗ trợ của Trung tâm Green Viet, xã Tam Mỹ Tây quyết định bảo vệ nghiêm ngặt 30 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng sản xuất tại núi Hòn Dồ và Dương Bản Lầu, trồng, phục hồi thêm 30 ha rừng tự nhiên đang là nương rẫy để tạo môi trường và sinh cảnh an toàn cho đàn voọc chà vá. Tỉnh cũng quyết định quy hoạch, chuyển đổi 60 ha rừng ở xã Tam Mỹ Tây thành rừng đặc dụng để bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm nêu trên.

Rõ ràng, các quyết sách mạnh mẽ và hợp lý nêu trên của chính quyền các tỉnh miền trung đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của người dân và cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm và giữ gìn đa dạng sinh học. Hành động này cũng là biểu hiện cụ thể trong thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học là tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2022, trong đó có chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Trong chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các giải pháp và hành động bảo tồn loài của Việt Nam trong thời gian tới là kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đối với bảo tồn tại chỗ các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, Việt Nam tập trung bảo vệ thông qua phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài, áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả tại các khu vực phân bố của loài ưu tiên bảo vệ nằm ngoài khu bảo tồn.

Để tạo môi trường và không gian sống cho đàn voọc, tỉnh Quảng Bình quyết định thu hồi nhiều diện tích núi đá vôi đã giao cho doanh nghiệp làm mỏ vật liệu và chuyển thành khu vực quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích hơn 500 ha. Đồng thời giao trách nhiệm bảo vệ đàn linh trưởng cho ngành Kiểm lâm và chính quyền địa phương.