Sự cần thiết thành lập khu dự trữ tự nhiên Fu Xai Lai Leng

Tại đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT phê duyệt (Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN) thì, Bắc Trung Bộ là một trong các điểm cần xem xét phát triển rừng đặc dụng theo hướng bổ sung các hệ sinh thái chưa có hoặc còn ít.

Fu Xai Lai Leng (Kỳ Sơn – Nghệ An) là một trong khối núi lớn, độ cao tuyệt đối 2.711m. Cao nhất dãy Trường Sơn, được coi là nóc nhà của Bắc Trung Bộ, chỉ sau Phan Xi Păng của Hoàng Liên Sơn 3.143m nóc nhà vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Rừng nguyên sinh Pù Mát, Nghệ An

Trong tự nhiên độ cao là điểm tựa quan trọng của địa quyển có ảnh hưởng lớn đến khí quyển, thủy quyển, đặc biệt là sinh quyển và môi trường.

Theo tài liệu nghiên cứu đa dạng sinh học của Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An hợp tác với Trung tâm môi trường và phát triển của Liên hiệp các hội KHKT Nghệ An và Khoa Sinh trường Đại học Vinh (2014) thì Fu Xai Lai Leng là khu rừng có hệ sinh thái độc đáo đa dạng: Nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới; thường xanh, rụng lá, nửa rụng lá…

Trong số 726 loài thực vật bậc cao đã xác định được có tới 126 loài lần đầu tiên phát hiện tại đây, chưa có ở các khu rừng khác của Nghệ An. Nguồn dược liệu cũng rất phong phú đa dạng, có những loài quý hiếm như: Trầm hương, giảo cổ lam, đỗ trọng nam, ngũ gia bì, lá khối tía, thổ phục linh, bồ cốt toái, ba kích, bảy lá một hoa. Đặc biệt họ nhân sâm (Araliaceae) có tới 10 loài, trong đó 5 loài chỉ có ở đây, không có ở các khu rừng khác trong tỉnh. Loài Panax SP được coi là sâm Fu Xai Lai Leng, về chất lượng loại sâm này không thua kém sâm Ngọc Linh của Quảng Nam (Trần Ngọc Lân và cộng sự – tạp chí Khoa học công nghệ Nghệ Ansố 12/2016) một loài sâm quý mà tỉnh này có ý tưởng nối kết thành sản phẩm quốc gia.

Động vật cũng rất phong phú đa dạng, đã xác định được 348 loài động vật có xương sống, trong đó có 60 loài thú, 147 loại chim, 76 loài lưỡng cư bò sát.

Đáng chú ý là có nhiều loại đặc biệt quý hiếm đã và đang bị đe dọa tuyệt chủng (cả thực vật và động vật). Trong đó có các loại dược liệu quý như: Sâm Panax SP, ngũ gia bì, giảo cổ lam, lan kim tuyền, rắn hổ mang chúa, rùa đầu to, rùa núi vàng, rùa sa nhân…

Tóm lại Fu Xai Lai Leng có đủ điều kiện để xem xét bổ sung rừng đặc dụng – khu dự trữ tự nhiên theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT.

Để củng cố lập luận, Hội Khoa học Kĩ thuật Lâm nghiệp Nghệ An đã tổ chức hội thảo quốc tế “Ý tưởng xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên Fu Xai Lai Leng do cộng đồng quản lý” được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có đầy đủ các nhà quản lý, các nhà khoa học quốc tế và trong nước tham dự đóng góp những ý kiến quan trọng (kỷ yếu). Khách quốc tế có ông James Hardcastle, đại diện Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF); các ông: Andrew Wein và Amond Steemman, chuyên gia đến từ Liên minh Châu Âu (EU). Trong nước có mặt nhiều nhà sinh học đầu ngành của các viện, trường như GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh; GS.TS Nguyễn Nghĩa Thìn; GS Hoàng Hòe; TS Hoàng Xuân Lương; PGS.TS Phạm Nhật; GS.TS Nguyễn Ngọc Lung; chuyên gia về điều tra quy hoạch rừng Nguyễn Ngọc Chính; ThS Phạm Đức Lân…

Theo các nhà khoa học thì Fu Xai Lai Leng thuộc khu vực Bắc Trường Sơn là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Thực vật vùng này có quan hệ mật thiết với khu hệ thực vật Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai và gần gũi với hệ thực vật Hải Nam – Nam Trung Hoa có nhiều nguồn gen quý cho sự phát triển kinh tế, môi trường. Các nhà khoa học nhất trí cao sự cần thiết thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Fu Xai Lai Leng (còn gọi Khu dự trữ thiên nhiên).

Hội Khoa học Kĩ thuật Lâm nghiệp Nghệ An cũng đã có văn bản tư vấn lên các cấp, các ngành có trách nhiệm nhưng chưa thành công, chắc chắn còn khó khăn trong việc tổ chức thực hiện và kinh phí đầu tư.

Phút nghỉ ngơi của các kiểm lâm viên

Ý kiến đề xuất: Việc tổ chức cần đổi mới theo hướng cộng đồng. Nhà nước chỉ cần thành lập ban quản lý tinh gọn. Tại đây có thể tổ chức liên hợp giữa kiểm lâm và lực lượng biên phòng đồn trú, vừa bảo vệ an ninh biên giới vừa hướng dẫn nhân dân thực hiện chương trình bảo vệ xây dựng rừng bảo tồn thiên nhiên tại khu rừng. Có thể thành lập riêng hoặc thành một phân khu thuộc Vườn quốc gia Pù Mát.

Dân cư được tổ chức lại theo tiêu chí nông thôn mới tại chỗ: Làng sinh thái, làng văn hóa cộng đồng xanh, phát triển mạnh việc sản xuất dưới tán rừng, bảo tồn và phát triển dược liệu như sâm Fu Xai Lai Leng theo mô hình “Nam Trà My” của Quảng Nam, đã bảo tồn và phát triển loại sâm Ngọc Linh thành công, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhân dân Xê Đăng thành vùng dân cư trù phú mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ca ngợi “Mỏ vàng trên núi Ngọc Linh” (NNVN số 183 – 184 ngày 24, 25/8/2016).

Với tính cần cù thông minh của người Xứ Nghệ, có kinh nghiệm từ Quảng Nam, chắc chắn chúng ta sẽ bảo tồn và phát triển được loài sâm này và các dược liệu quý bản địa danh xưng Fu Xai Lai Leng Nghệ An.

Fu Xai Lai Leng còn có tiềm năng du lịch sinh thái nhân văn: Du lịch cộng đồng các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú giàu bản sắc; du lịch mạo hiểm đường lên đỉnh núi cao thứ nhì của Tổ quốc hùng vĩ, hoang sơ, ngắm cảnh bốn phương hai nước Việt – Lào nhiều cảm xúc. Nhân dân sẽ có điều kiện sinh sống bằng nghề dịch vụ du lịch.

Về nguồn vốn, trước mắt cần tập trung giải quyết các chính sách hiện có đối với những xã vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo như 135, bảo vệ an ninh biên giới, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhất là nguồn vốn bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phục hồi sinh thái, nghiên cứu khoa học trong các khu rừng đặc dụng.

Tranh thủ đầu tư quốc tế là thế mạnh của Khu dự trữ thiên nhiên Fu Xai Lai Leng bởi những tính chất đặc sắc vốn có của khu rừng. Trước mắt kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước đầu tư phát triển dược liệu và du lịch.

Quảng Nam đã xây dựng, ban hành đề án phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn 2030 trên địa bàn 7 xã Nam Trà My, với tổng vốn 35.000 tỷ đồng, quy mô 15.568ha, đã có 30 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp giấy phép cho 6 doanh nghiệp. Phải chăng sâm Ngọc Linh của Quảng Nam ngày nay là hình thái sâm Fu Xai Lai Leng của Nghệ An nay mai. Rừng được bảo tồn và phát triển tốt.

KS. Nguyễn Đình Võ, Phó Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An

Nguồn: