Hơn 500 vụ phá rừng, lấn chiếm đất trong gần 3 năm tại 1 công ty lâm nghiệp

Sau gần 3 năm cổ phần hóa, lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã xảy ra 524 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích hơn 360 ha.

Ngày 1-11, nguồn tin cho biết Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk về tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép xảy ra trên lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).

Cụ thể, trong thời gian từ năm 2020 đến 30-6-2022, tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm xảy ra 524 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, với diện tích 360ha. Đáng chú ý, có tới 459 vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm nên chưa được xử lý dứt điểm.

Hiện trường 1 vụ phá rừng tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm vẫn xảy ra phổ biến. Vị trí rừng bị phá nằm gần sát đường tuần tra bảo vệ rừng, có dấu hiệu chiếm đất dọc theo mặt đường nhưng công ty chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, xảy ra tình trạng nói trên là do Hạt Kiểm lâm Cư M’gar chưa tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức chốt chặn để kiểm tra, xử lý.

Chỉ trong thời gian ngắn, tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm xảy ra hơn 500 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm không đủ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo báo cáo của đơn vị hiện nay chỉ có 9 biên chế quản lý bảo vệ rừng.

Sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt và chưa tạo được sức mạnh để bảo vệ rừng. Công tác xử lý các vụ vi phạm của cơ quan chức năng chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác khắc phục hậu quả.

Lâm Đồng: Lấn chiếm đất rừng còn hành hung đoàn kiểm tra
Được biết Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được cổ phần hóa từ tháng 12-2019. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 66% cổ phần, phần vốn nhà nước chiếm 34%.

Việc cổ phần hóa công ty lâm nghiệp này được kỳ vọng sẽ có đầy đủ nguồn lực để quản lý, bảo vệ rừng, khai thác các tiềm năng về đất đai để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, thực tế sau khi cổ phần hóa, đã có hàng trăm héc-ta bị phá, chiếm đất, cán bộ, nhân viên nhiều tháng qua chưa được trả lương.