Nan giải bài toán giữ rừng Tây Nguyên – Bài 2: Áp lực sinh kế người dân sống trong rừng và gần rừng

Dân di cư tự do đến Tây Nguyên và dân cư tại chỗ sống gần rừng, nhất là những cụm dân cư tự phát trong rừng đã gây ra nhiều áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên.

Lâu nay, sinh kế của dân di cư tự do (DCTD) và số hộ dân tại chỗ sống gần rừng chủ yếu dựa vào phá rừng làm rẫy, săn bắt động vật rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, dẫn tới hàng trăm nghìn héc-ta rừng tự nhiên ở Tây Nguyên bị phá hoại…

Những điểm dân di cư tự do trong rừng

Từ ngã ba Cư M’lan trên Tỉnh lộ 2, thuộc địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (Đắc Lắc), chúng tôi đi theo Quốc lộ 29 khoảng 10km là đến các Tiểu khu 276, 280 và 286 thuộc lâm phần do UBND xã Cư M’lan quản lý.

Tại đây, hiện có 163 hộ, với 997 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư ngoài kế hoạch đã tự lập làng, bao chiếm, phá hơn 50ha rừng tự nhiên để lấy đất dựng nhà ở, lập vườn và làm nương rẫy. Chính quyền từ xã đến tỉnh đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế số hộ dân này ra khỏi rừng nhưng bất thành.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết: “Điểm dân DCTD này rất phức tạp, không chỉ phá rừng trái pháp luật mà còn xảy ra tranh chấp đất đai, mua bán, sang nhượng đất rừng trái pháp luật. Một số hộ dân tìm đủ mọi cách để chống đối lực lượng chức năng, như tổ chức phá rừng, dựng nhà vào ban đêm; khi có lực lượng kiểm tra xử lý thì đưa trẻ em, người già, phụ nữ ra ngăn cản, chống đối quyết liệt. Thậm chí, sẵn sàng huy động đông người, sử dụng hung khí tấn công lực lượng thi hành công vụ…”.

Rừng tại Tiểu khu 144, thuộc xã Ia Lốp (Ea Súp, Đắc Lắc) bị phá lấy đất sản xuất.

Cũng trên địa bàn xã Cư M’lan, từ năm 1992, có 325 hộ với 1.302 nhân khẩu dân DCTD vào lấn chiếm rừng, đất rừng tại các Tiểu khu 265, 271 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan (nay thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm lâm nghiệp Đắc Lắc) quản lý. Số hộ dân này đã phá và bao chiếm 1.044ha rừng và đất rừng để ở và sản xuất.

Điều đáng nói là đến năm 2011, do không có cách nào đưa dân ra khỏi rừng, tỉnh Đắc Lắc đã cho thành lập thôn Bình Lợi, nằm ngay giữa rừng, cách trung tâm xã hơn 30km. Gần đây, tại các Tiểu khu 295, 296 do Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắc Lắc quản lý, tiếp tục có 84 hộ, với 520 nhân khẩu dân DCTD đến phá và lấn chiếm đất rừng.

Có thể nói, tình trạng phá rừng trái pháp luật ở xã Cư M’lan đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ rừng do UBND xã quản lý bị phá mà rừng được UBND tỉnh Đắc Lắc cho các doanh nghiệp thuê triển khai dự án cũng bị phá và lấn chiếm. Cụ thể, năm 2012, Công ty TNHH Anh Quốc được giao 1.165ha rừng; Công ty Cao su Phú Riềng Karatie được giao 650ha rừng trên địa bàn xã Cư M’lan để triển khai dự án.

Đến năm 2019, qua kiểm tra phát hiện rừng của Công ty Anh Quốc để mất gần 800ha; rừng của Công ty Phú Riềng Karate để mất 620ha, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ra quyết định thu hồi dự án của các doanh nghiệp này, giao diện tích rừng “ít ỏi” còn lại về cho UBND xã Cư M’lan quản lý.

Tương tự, tại lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc), từ năm 1993, hơn 200 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu người dân tộc Mông đã DCTD vào các Tiểu khu 540, 544, 547 phá rừng, xâm chiếm đất rừng dựng nhà ở và làm nương rẫy. Mặc dù tỉnh Đắc Lắc đã lập dự án di dân ra khỏi rừng nhưng sau nhiều lần tuyên truyền, vận động không thành, đến nay, số hộ dân này vẫn trụ trong rừng, lấn chiếm, phá rừng để lấy đất ở, đất sản xuất.

Ngoài ra, cũng tại lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm còn xảy ra tình trạng 109 hộ dân là người tại chỗ của các xã Ea Tar, Ea M’Droh và Ea Kiết đã ngang nhiên lấn chiếm đất rừng để sang nhượng trái pháp luật. Theo đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, tại Tiểu khu 547a, có 29 hộ mua bán sang nhượng trái phép 68ha đất rừng với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Và tại các Tiểu khu 540, 544, đến thời điểm này, có hàng chục hộ dân là người tại chỗ tiếp tục mua bán đất rừng trái pháp luật, nhưng chưa bị xử lý!

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong 20 năm qua đã tồn tại dai dẳng “điểm nóng” về phá rừng mà chính quyền địa phương chưa xử lý được. Đó là tại các Tiểu khu 179, 181, 197 và 198, thuộc xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, từ năm 2000 đến nay, có 507 hộ dân DCTD người dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc đến lấn chiếm, khai phá khoảng 660ha rừng để lấy đất ở và đất sản xuất.

Nóng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020, toàn vùng Tây Nguyên đang còn gần 19.000 hộ dân DCTD cư trú phân tán ngoài quy hoạch, chưa được sắp xếp ổn định vào các dự án. Số hộ dân này chủ yếu sống trong rừng và gần rừng, lấm chiếm đất rừng, phá rừng để lấy đất ở, đất sản xuất. Nếu tính bình quân, mỗi hộ cần 1,5ha đất để ở và sản xuất thì diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm sẽ lên đến hơn 28,5 nghìn ha. Đắc Lắc đang là tỉnh có số dân DCTD sống gần rừng và trong rừng nhiều nhất.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc, hiện nay, trên địa bàn còn khoảng 5.000 hộ, với hơn 20.000 nhân khẩu dân DCTD sống gần rừng và trong rừng, tạo áp lực vào rừng rất lớn.

Điểm dân DCTD phá rừng tự nhiên tại xã Quảng Sơn (Đăk Glong, Đắc Nông).

Tìm hiểu thực tế những áp lực từ dân cư sống trong rừng và gần rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc), đồng chí Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thông tin: Khu bảo tồn có diện tích gần 27.000ha.

Đây là khu bảo tồn còn nhiều động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và nhiều loại gỗ quý hiếm. Hiện nay, có hơn 20.000 người dân của các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Phú Yên đang sinh sống tại vùng đệm, trong khi đó, nhiều người tìm kế mưu sinh trong rừng, tạo áp lực rất lớn, nhất là tình trạng khai thác gỗ, săn bắt động vật. Chỉ tính năm 2021, đơn vị đã phát hiện 23 vụ với 30 đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, trong đó, chuyển Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar xử 17 vụ, với 24 đối tượng”.

Cùng chung tình trạng áp lực về dân cư, Vườn quốc gia Yok Đôn-vườn quốc gia rộng nhất cả nước, với diện tích 115.500ha, thuộc địa bàn các tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Vườn có 90 thôn, buôn thuộc 7 xã vùng đệm, với tổng dân số lên đến 50.000 người.

Đặc biệt, buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) có 119 hộ, 481 nhân khẩu sống ngay trong vùng lõi của vườn. Trong khi đó, đa phần đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên bà con thường xuyên xâm nhập vào rừng khai thác gỗ, lâm sản phụ và săn bắt động vật để có thêm thu nhập. Ngoài ra, một số hộ thiếu đất sản xuất còn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc, từ năm 2015 đến 2020, toàn tỉnh phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 7.477 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó, đã xử lý hành chính 7.427 vụ, xử lý hình sự 100 vụ. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Đắc Lắc có 32 công chức kiểm lâm, cùng 26 tập thể và 77 cá nhân khác bị kỷ luật, phê bình do vi phạm trong thi hành công vụ.

Thậm chí, ngày 21-12-2021, Công an huyện Ea Kar đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Công Ý, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3 và Vương Thế Cao, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 5 (Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô), vì tiếp tay cho lâm tặc khai thác lâm sản trái pháp luật. Đắc Lắc hiện cũng là địa phương có diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm nhiều nhất.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã tiến hành xử lý, thu hồi được hơn 1.100ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép để phục hồi rừng. Hiện nay, còn khoảng 37.000ha chưa thu hồi được, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng và Krông Bông.

Tại tỉnh Kon Tum, từ năm 2016 đến 2021, toàn tỉnh xảy ra 2.428 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gây thiệt hại 93,6ha rừng; gần 13.000m3 gỗ; lực lượng chức năng xử lý hình sự 88 vụ. Trong quý I-2022, mặc dù số vụ vi phạm giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tính chất nghiêm trọng hơn, diện tích rừng thiệt hại lớn, với 30ha rừng bị phá và hơn 158m3 gỗ bị khai thác trái phép.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do việc thực hiện công tác giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng còn hạn chế nên diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp vùng Tây Nguyên đang bị tranh chấp lên đến 282.896ha, chiếm 8,43% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Trong đó, tranh chấp trong diện tích đất đã giao quyền sử dụng 197.365ha; tranh chấp thuộc diện tích đất chưa giao quyền sử dụng 85.261ha.

Cụ thể, các tranh chấp tập trung chủ yếu tại khu vực: Rừng do UBND xã quản lý 164.900ha; rừng do các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý 56.456ha; rừng các doanh nghiệp nhà nước quản lý 51.750ha và rừng do các chủ rừng khác quản lý bị tranh chấp là 9.790ha. Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2016-2021 ở Tây Nguyên đã có chiều hướng giảm dần hằng năm, nhưng vẫn còn ở mức cao, bình quân mỗi năm toàn vùng phát hiện, xử lý khoảng 3.500 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại vẫn ở mức báo động, với hàng nghìn héc-ta.