Các con đập Trung Quốc góp phần khiến sông Mê Kông đổi sang màu xanh đáng sợ

Sông Mê Kông chảy qua Thái Lan thường có màu nâu giờ đã chuyển sang màu xanh giống như nước biển. Kèm theo đó, nhiều bãi cát đã xuất hiện, một số trong đó dài đến vài km, theo trang Thai PBS World.

Ông Arthit Panasoon, chủ tịch nhóm bảo tồn môi trường ở tỉnh Nakhon Phanom, phía đông bắc Thái Lan, cho biết sự thay đổi hiếm hoi của màu nước này bề ngoài có vẻ hấp dẫn và bắt mắt nhưng đằng sau đó là một dấu hiệu ảm đạm cho thấy dòng sông đang cạn kiệt .

Màu nước sông Mê Kông chảy qua đông bắc Thái Lan

Ông Panasoon giải thích rằng độ sâu trung bình của mực nước chỉ còn khoảng một mét và là mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Do nước nông, dòng sông chảy rất chậm, gây ra sự kết tủa sa thạch dưới lòng sông và tạo ra phản chiếu màu xanh nước biển.

Ông Panasoon lưu ý rằng mùa khô vừa mới bắt đầu và phải chờ đến 6 tháng nữa thì mưa mới trở lại, nhưng sông Mê Kông đã khô cạn. Việc sông khô cạn là do ảnh hường từ các con đập ở Trung Quốc, Lào và biến đổi khí hậu.

Do nước cạn, tàu du lịch Mê Kông Paradise đã phải tạm dừng hoạt động vào ngày 28.11. Nông dân, những người thường lấy nước từ sông, đã phải kéo dài chiều dài ống bơm nước của họ ra gần giữa sông hơn.

Anh Tú

Nghiên cứu của MeKong Freedom Network (Thái Lan), 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu…, làm thay đổi dòng chảy. Cạnh đó, các chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến mực nước sông Mê Kông ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam xuống thấp kỷ lục là: lượng mưa năm nay giảm; đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả ít nước; đập Xayaburi ở Lào hoạt động.

Đến thời điểm này, thượng nguồn sông Mê Kông dự kiến có tới 467 thủy điện, khoảng một phần tư đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng. Bà Pianporn Deetes (Giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan – International Rivers) lo ngại: “Các biểu hiện như: mực nước thấp bất thường, sự xuất hiện của cồn cát và ghềnh đá dưới đáy sông, cá chết hàng loạt, trạm bơm ngưng hoạt động… chỉ là khởi đầu của một viễn cảnh xấu phía trước. Khi các đập trữ nước trên sông Mê Kông chính thức đi vào hoạt động, tình hình chưa biết khi nào sẽ cải thiện”.

Về tác hại của đập thủy điện trên sông Mê Kông, Bộ TNMT cho rằng: “Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị “đói” bùn cát; để cân bằng năng lượng dư thừa, buộc dòng nước phải bào xói bờ. Ngoài quá trình tự nhiên, địa chất kiến tạo và phát triển kinh tế xã hội không phù hợp, tác động do hoạt động khai thác của các thủy điện ở thượng nguồn, với những con số thực tế cho thấy là nguyên nhân chính đe dọa đến việc phát triển lâu dài, bền vững ở ĐBSCL. Nếu phát triển đủ các thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Mê Kông ở thượng nguồn, có tới hơn 90% lượng bùn cát bị giữ lại. Một ĐBSCL phát triển màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, nhưng nay lượng lớn phù sa đã mất, đó là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển vùng ĐBSCL”.

trích bài Đồng bằng sông Cửu Long: Báo động về an ninh nguồn nước trên báo CA TP.HCM ngày 18.11.2019