Trái đất đang tiến đến “điểm bùng phát rủi ro” về khủng hoảng khí hậu

Các nhà nghiên cứu của Liên hợp quốc cảnh báo rằng nhân loại đang tiến gần đến những điểm tới hạn không thể đảo ngược, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng ứng phó với thảm họa của chúng ta.

Một báo cáo mới công bố của Đại học Liên hợp quốc (UNU) ở Đức đã đưa ra một loạt các điểm bùng phát rủi ro đang đến gần, đồng thời cho biết việc có tầm nhìn xa về những điều này cho thấy nhân loại vẫn có thể hành động để ngăn chặn chúng.

Nhân loại cần giữ gìn hành tinh xanh này cho thế hệ mai sau. Ảnh: BSS

Tới hạn rủi ro song hành với tới hạn khí hậu

Điểm tới hạn được kích hoạt bởi sự gia tăng nhỏ trong động lực nhưng nhanh chóng dẫn đến những tác động lớn. Và các điểm tới hạn rủi ro khác với các điểm tới hạn về khí hậu mà thế giới đang trên bờ vực: chặng hạn như sự sụp đổ của rừng nhiệt đới Amazon và sự biến đổi của dòng hải lưu quan trọng ở Đại Tây Dương.

“Điểm tới hạn khí hậu” là những thay đổi quy mô lớn do hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra, trong khi “điểm tới hạn rủi ro” liên quan trực tiếp hơn đến cuộc sống của con người thông qua các hệ thống sinh thái và xã hội phức tạp.

Phân tích của Đại học UNU cũng cảnh báo về những điểm bùng phát tiếp theo như tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm vốn rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm. Những “điểm bùng phát rủi ro” này bao gồm cả việc mất đi các sông băng trên những dãy núi – nguồn cung cấp nước ở nhiều nơi trên thế giới hoặc việc tích tụ các mảnh vụn không gian làm hỏng các vệ tinh, nhất là các vệ tinh cảnh báo thời tiết.

Tiến sĩ Zita Sebesvari đến từ Viện Môi trường và An ninh Con người của Đại học UNU cho biết: “Khi chúng ta khai thác bừa bãi tài nguyên nước, hủy hoại thiên nhiên và gây ô nhiễm cả Trái đất và không gian, chúng ta đang tiến gần đến bờ vực của nhiều điểm bùng phát rủi ro có thể phá hủy chính những hệ thống mà cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào”.

“Chúng ta đang thay đổi toàn bộ bối cảnh rủi ro và mất đi các công cụ quản lý rủi ro”, Tiến sĩ Zita Sebesvari nhấn mạnh.

Những điểm rủi ro lớn nhất

Báo cáo xem xét 6 ví dụ về điểm bùng phát rủi ro, bao gồm cả điểm khi bảo hiểm xây dựng không còn khả dụng hoặc không đủ khả năng chi trả cho những công trình ở khu vực bị lũ lụt. Điều này khiến người dân không có mạng lưới an toàn kinh tế khi thiên tai xảy ra, làm tăng thêm khó khăn cho họ, đặc biệt là đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như một công ty bảo hiểm lớn đã ngừng bảo hiểm tài sản ở California (Mỹ) do “tác động của thảm họa ngày càng gia tăng nhanh chóng”, đặc biệt là cháy rừng.

Phí bảo hiểm cũng tăng vọt ở Florida (Mỹ) và 6 công ty bảo hiểm ở bang này đã phá sản do lũ lụt và bão liên quan đến khí hậu. Báo cáo cũng cho biết, ước tính nửa triệu ngôi nhà ở Úc sẽ không thể được bảo hiểm vào năm 2030, chủ yếu do nguy cơ lũ lụt ngày càng tăng.

Một điểm bùng phát rủi ro khác được xem xét trong báo cáo là khi các tầng ngậm nước ngầm bị khai thác quá mức đến mức các giếng cạn nước. Báo cáo cho biết các tầng ngậm nước hiện ngăn chặn một nửa tổn thất đối với sản xuất lương thực do hạn hán gây ra, dự kiến sẽ trở nên cạn kiệt thường xuyên hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Những rủi ro do thiên tai, chẳng hạn như bão lũ, gây ra với con người sắp đạt tới điểm tới hạn, khiến việc phòng tránh đôi khi trở thành bất khả. Ảnh: NBC

Báo cáo cho biết hơn một nửa số tầng ngậm nước chính trên thế giới đang bị cạn kiệt nhanh hơn mức chúng có thể được nạp lại một cách tự nhiên. Nếu chúng đột nhiên cạn kiệt, toàn bộ hệ thống sản xuất thực phẩm có nguy cơ thất bại.

Điểm tới hạn rủi ro về nước ngầm đã được vượt qua ở một số quốc gia, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út, và sắp đến gần ở Ấn Độ. Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu lúa mì lớn vào những năm 1990 nhưng hiện phải nhập khẩu ngũ cốc sau khi các giếng nước ngầm cạn kiệt.

Các điểm bùng phát rủi ro khác được báo cáo đề cập là thời điểm nguồn cung cấp nước từ các sông băng trên núi bắt đầu giảm; khi quỹ đạo Trái đất chứa đầy mảnh vụn đến mức một vụ va chạm với vệ tinh sẽ gây ra phản ứng dây chuyền; khi những đợt nắng nóng vượt qua ngưỡng đổ mồ hôi tự nhiên có thể làm mát cơ thể con người; và khi sự mất mát của các loài động vật hoang dã phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến sự sụp đổ của một hệ sinh thái.

Thay đổi để làm “tổ tiên tốt”

Tiến sĩ Caitlyn Eberle của Đại học UNU, cho biết: “Bây giờ bạn có thể không biết [về điểm giới hạn rủi ro] nhưng rất nhanh thôi, bạn sẽ biết. Trong 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, những rủi ro sẽ ở đó. Chúng ta vẫn có thể tránh được những tác động này, bởi điều đó thực sự nằm trong khả năng thay đổi của chúng ta”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Zita Sebesvari cho biết: “Sự thay đổi mang tính biến đổi thực sự có sự tham gia của tất cả mọi người. Ví dụ, trong trường hợp bảo hiểm nhà ở, chủ sở hữu có thể tăng cường khả năng phục hồi lũ lụt, các đô thị có thể cải thiện quy hoạch, chính phủ có thể cung cấp những gói bảo hiểm do nhà nước hậu thuẫn và hành động toàn cầu từ các quốc gia và công ty có thể cắt giảm lượng khí thải carbon”.

Sebesvari cho biết các giá trị cũng cần phải thay đổi: “Một trong những ví dụ của chúng tôi là “trở thành tổ tiên tốt”, nghe có vẻ hoa mỹ nhưng chúng tôi nghĩ rằng quyền của các thế hệ tương lai cần được xây dựng rất cụ thể trong quá trình ra quyết định của chúng ta ngày hôm nay”.

Giáo sư Tim Lenton, tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, nhận định rằng báo cáo của các chuyên gia Đức là một lời cảnh tỉnh rất quan trọng và thiết thực với nhân loại trong bối cảnh biến đổi khí hậu liên tiếp tạo ra những kiểu thời tiết cực đoan mới, khắc nghiệt hơn.

“Các tác giả này đang sử dụng một định nghĩa khác về điểm tới hạn”, Giáo sư Tim Lenton nói. “Phần lớn những gì họ mô tả là phản ứng ngưỡng, chắc chắn gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và cả tính mạng – đặc biệt là việc con người tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cực cao mà như chúng ta đã thấy trong đợt nắng nóng bi thảm ở châu Á hồi đầu năm nay”.