Ứng phó với biến đổi khí hậu: Dai dẳng cuộc chiến không tiếng súng (Bài 2)

1,3 triệu người dân ĐBSCL đã di cư trong 10 năm qua, dân số tương đương hơn một tỉnh trong vùng. Đến năm 2030, dân số vùng này sẽ xuống dưới 17 triệu người, tức là tương đương một tỉnh nữa ly hương.

Bài 2: Miền ‘đất khát’ và ký ức không còn những gương mặt…

Trong nhiều năm qua, có một nghịch lý vẫn diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long: cho dù tin tức hàng năm có tuyên bố những chiến thắng lớn về sản lượng nông nghiệp, thì lực lượng lao động ở độ tuổi sung sức ở đây vẫn cứ lần lượt bỏ xứ mà đi. Và năm nay, câu chuyện có thể trở nên nghiêm trọng hơn, vì biến đổi khí hậu.

Phân mảnh gia đình

Bà Mai Thị Thê loay hoay mãi mới mở được tủ kính để lấy cho chúng tôi xem tấm ảnh cưới của con trai và con dâu. Gần 90 tuổi, hai chân đã yếu đến nỗi chỉ gượng đứng, chứ gần như không tự đi nổi, bà đang sống nốt cuộc đời bằng ký ức: nhiều tháng rồi, bức ảnh đóng khung trang trọng này, vật hiếm hoi trong nhà không đóng bụi hoặc cáu bẩn, là hơi ấm gia đình.

“Không nhớ nổi. Tui không nhớ nổi tên các con nữa. Có đứa mặt còn quên luôn rầu (rồi)” – Bà Ba Thê vỗ trán. Quê ở Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), bà theo chồng đến đất Thới Bình (Cà Mau) từ khoảng 40 năm trước. Ông mất đã lâu, và trước khi một mình một nhà như bây giờ, bà ở với vợ chồng con trai út cùng 4 đứa cháu.

Ông bà có cả thảy 10 đứa con, nhưng giờ ngoài đứa con út mới đi Bình Dương, bà chỉ còn gặp lại được 2 người, và thời gian sum họp dài đằng đẵng. “Một đứa là bộ đội ở Bạc Liêu, một đứa ở Rạch Giá còn thi thoảng xuống thăm tui, thường là vài tháng mới có (một) lần”.

Bà Mai Thị Thê mở tủ để lấy cho chúng tôi xem bức ảnh cưới của hai vợ chồng con trai út. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong ảnh là con trai út của bà và con dâu. Ở miền Tây, lệ thường là con trai út sẽ ở với cha mẹ để phụng dưỡng. Nhưng vụ lúa-tôm thất bát vừa rồi đã chặt đứt nốt mối nối còn lại của gia đình: “2 vụ lúa tôm đều thất (mất mùa), trắng tay, thằng út nó nợ nhiều quá nên phải đưa cả nhà đi làm mướn tận Bình Dương” – bà cười như mếu.

Gia đình bị xẻ làm đôi, sau khi những hy vọng cuối cùng bị dập tắt trong một năm quá khắc nghiệt. Hai đứa cháu của bà Thê theo cha mẹ, còn hai đứa ở nhà với bác bên ngoại. Một trong hai đứa ở nhà thì vẫn sang ngủ và nấu cơm cho bà. Tiền sinh hoạt giờ cũng nhờ bác lo.

“Giờ chỉ còn khoảng 30% người trong độ tuổi lao động chính còn ở địa phương thôi, còn 70% đã phải ly hương, đi làm ngoài tỉnh” – anh Lê Thành Văn, trưởng ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau), cho biết. “Những hộ gia đình có nhiều đất thì còn bám trụ lại làm vuông tôm, tuy mất mùa nhưng vẫn đành sống tạm, ít đất thì đành bỏ đi làm công; những người có cha mẹ già ở nhà không đi khỏi địa phương được thì đi làm thuê trong công ty lâm nghiệp U Minh Hạ, cắt cây sống qua ngày.”

Giữa tháng 12 vừa qua, lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020 do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã đưa ra một con số đau lòng: có 1,3 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã di cư trong 10 năm qua, dân số tương đương với hơn một tỉnh trong vùng.

Theo báo cáo này, Đồng bằng sông Cửu Long có 17,3 triệu dân, tỷ lệ nhập cư thấp nhất và xuất cư cao nhất cả nước. Trong một thập kỷ qua, khi cả nước tăng 1,14% dân số, thì tỷ lệ này ở đây là 0%. Hai năm vừa rồi, dân số toàn vùng giảm 0,3%. Các chuyên gia dự báo rằng nếu không có đột biến, đến năm 2030, dân số Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống dưới 17 triệu người. Tức là tương đương một tỉnh nữa ly hương.

Biến đổi khí hậu có thể làm quá trình này diễn ra nhanh hơn nữa: Đồng bằng sông Cửu Long thiếu các cơ sở hạ tầng để đáp ứng việc làm các ngành ngoài nông nghiệp và thủy sản, trong khi đó, thiên nhiên bắt đầu trở nên khắc nghiệt và khó đoán hơn bao giờ hết.

Hạn hán kéo dài và diễn biến thời tiết bất thường đã để lại những đồng ruộng nứt nẻ và bạc màu trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trên chuyến xe giường nằm cuối tuần từ Sài Gòn về quê nhà Bạc Liêu, Tư Kháng lẩm nhẩm theo một bài hát rap khá nổi tiếng gần đây hay được nhà xe phát. Anh khá ngạc nhiên, vì trước đây chỉ toàn được nghe bolero. Trong bài có hai câu thế này:

“Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau

Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau.”

Nhưng Kháng sẽ chỉ ngủ ở nhà được một đêm, ăn một bữa cơm với gia đình, rồi lại tất tưởi lên Sài Gòn để đi bán điện thoại cho một siêu thị. Bữa cơm kém vui một chút, vì vụ năm nay, nhà làm lúa không “trúng” lắm.

Kháng là con thứ ba trong một gia đình có 5 người con, tất cả đều đi làm ăn tha phương. Nhà Kháng có 2 mẫu ruộng. Ba của Kháng, năm nay 55 tuổi, là lao động chính. “Ở lại thì không có việc gì làm, làm nông giờ ai biết làm đâu anh, mà cực quá” – Kháng cười nói.

Ở thành phố, thu nhập của Kháng cũng được 7-8 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải các chi phí thuê nhà, ăn uống. Không nhiều nhưng lương đều đặn và công việc cũng không quá vất vả. Quan trọng hơn, “về quê, nuôi cá và trồng rau” giờ cũng không phải một lựa chọn đơn giản. Đồng ruộng dường như không phải chỗ hợp với những người trẻ.

Người già trên đồng ruộng

4 giờ 30, ông Nguyễn Văn Viễn đã thức. Vệ sinh cá nhân khoảng 15 phút, ông nhét vội vài cái bánh Chocopie và mấy quả chuối vào bọc ni-lông làm bữa sáng dọc đường. Cần gần 1 phút mới đạp nổ được chiếc Honda “ngoan cố” cũ kỹ có tuổi thọ gần 30 năm. Ruộng cách nhà khoảng 2 cây số. Ông sẽ làm việc ở đây đến gần 1 giờ trưa, về nhà ăn cơm 30 phút, rồi lại tiếp tục lao động đến khi nắng tắt.

Lịch trình này đã diễn ra đều đặn 30 năm, trong những ngày mùa vụ, từ khi anh y tá quân y Nguyễn Văn Viễn phải lòng chị Út Thủy ở ấp Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng (Long An), người sau này ông sẽ lấy làm vợ, và cũng là người dạy ông làm ruộng. Giờ thì ông đã trở thành “nông dân vàng”: với nghề làm ruộng, hai ông bà đã nuôi 4 đứa con ăn học nên người, vào đại học và giờ đều đã công ăn việc làm ổn định. Một ngoại lệ hiếm hoi ở nơi đây.

Năm nay 58 tuổi, ông có sức chịu đựng mà thanh niên cũng khó bì kịp, dù xuất phát điểm thể chất không hoàn hảo: mỗi ngày mùa vụ, ông làm việc ít nhất 15 tiếng/ngày, dưới trời nóng như đổ lửa. Gần 20 năm nay, sáng nào ông cũng phải uống 1 viên thuốc huyết áp. Chứng hở van tim 2 lá cũng đeo đẳng 10 năm. Không hút thuốc, không uống rượu, khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, bằng một kỷ luật hiếm thấy, ông cứ thế vượt qua bệnh tật, để làm việc nuôi con.

Ông Nguyễn Văn Viễn vẫn làm việc bền bỉ nhiều năm nay, với bệnh hở van tim 2 lá. (Ảnh: Phạm An/Vietnam+)

Người con thứ hai, giờ đã là một bác sỹ, đã từng theo cha ra đồng khi còn nhỏ lần đầu tiên và duy nhất, thấm thía sự vất vả đến nỗi đã hứa với cha mẹ mình rằng sẽ “ráng học để sau này không phải làm lúa nữa.”

Giờ thì ông bà đã toại nguyện, trong một khung cảnh vừa vui (vì các con đã khôn lớn đúng như ông bà kỳ vọng), vừa đượm buồn. Đêm Giao thừa năm nay, có thể chỉ có một trong bốn đứa con về chung vui với ba mẹ: 2 người con gái đi lấy chồng xa, còn người con trai bác sỹ có thể có lịch trực ở bệnh viện.

Ông Viễn và rất nhiều người cao tuổi trong họ mạc nói riêng và của cả vùng nói chung có thể là những người làm nông cuối cùng ở đây. Kinh tế của đa số các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dựa chủ yếu vào những người già.

Tỷ lệ phụ thuộc người già đã tăng nhanh từ 8,8% năm 2009 lên 14,4% vào năm ngoái. Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy chỉ số già hóa toàn vùng là 58,5%, tăng đến 24,3 điểm % so với năm 2009 (34,2%), cao nhất cả nước. Trong khi đó, lao động trong độ tuổi dưới 35 giảm mạnh từ 45,5% năm 2012 xuống còn 38,9% vào năm 2017.

Vụ lúa vừa rồi, năng suất cũng không được tốt như trước, không phải vì hiệu suất lao động của những người già kém đi: số giờ phơi lưng ngoài đồng của ông Viễn và những người nông dân như ông không giảm. Nhưng 2 năm nay, con nước về muộn, và không lên cao như mọi năm, phù sa lẫn cá tôm về ít. Cư dân ở đây, như hầu hết những người dân Đồng bằng sông Cửu Long, sống nhờ con nước lên, đã phải trải qua một mùa lũ không vui.

Lúa mới sạ lên được một gang tay đã chết dần do rễ hỏng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Ba Dùng, một trong những người “sát cá” nổi tiếng ở xã Tuyên Bình Tây (Vĩnh Hưng, Long An), đã từng kiếm được 60-70 triệu đồng trong vài tháng con nước lên. Giờ thì bằng tất cả kinh nghiệm về thói quen của cá và hiểu biết con nước, giỏi lắm anh cũng chỉ kiếm được đủ ăn, và thêm được nhiều nhất 20 triệu đồng, giảm 1/3 thu nhập.

Anh có hai con, một học cấp ba, và một đang học ngành dược ở Cần Thơ. Anh, cũng như ông Viễn, đều đang nuôi một thế hệ đã được “quy hoạch” là sẽ thoát khỏi đời chân lấm tay bùn.

Trong thâm tâm, bằng kinh nghiệm của mình, họ cảm nhận được sự trù phú này sẽ không phải là vĩnh viễn: “2 năm nay cá ít hơn rồi, bắt cũng khó hơn, có giống cá còn không thấy xuất hiện nữa” – ông Viễn nhìn xuống chỗ cá mới vào dớn đã đặt từ hôm trước. Không ít nhà ở ấp ông đang ở đầu tư mấy triệu mua lưới, nay cá tôm về ít, cũng lỗ.

“Hồi trước, lũ kéo vào dâng quá thềm, lụt cả vào nhà, phải ngồi lên giường” – ông nhớ lại. Cách đây 20 năm, đứng từ nhà nhìn ra xung quanh toàn một biển nước. Một thập kỷ đổ lại, ông chỉ nhớ nổi một lần nước dâng lên thềm. Mấy năm trở lại, nước chỉ lên ngập quá ruộng một chút.

Theo thống kê của Viện khoa học Thủy lợi miền Nam, trong 60 năm trước thời điểm năm 2000, cứ hai năm thì Đồng bằng sông Cửu Long có 1 năm lũ lớn, vượt báo động 3. Trong các năm 2000-2002, lũ lớn đều xuất hiện. Nhưng trong 10 năm trở lại đây, lũ lớn chỉ xuất hiện một lần vào năm 2011. Tính toán cho thấy tần suất xuất hiện lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ là 7%-10%, tức 10-15 năm có một lần lũ lớn. Nhưng đến năm 2040, tỷ lệ này có thể chỉ còn 1%, tức trên 100 năm mới xuất hiện một lần.

Đấy hẳn là một thảm họa: lũ lớn không về đồng nghĩa với việc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu phù sa bồi đắp, và xâm nhập mặn với sạt lở gia tăng. Không còn nhiều chỗ để “đứng” nữa, và thêm người ra đi là viễn cảnh không phải khó tưởng tượng.

Khi đất bạc màu

Ông Trần Bình Đặng không rõ có bao nhiêu người đã đi. Ông chỉ biết rằng mình phải ở lại: “Đất này nhà mình mà, đi đâu nữa con”. Năm nay 77 tuổi, ông vẫn là “tổng công trình sư”, thân chinh ra đồng, đội cả trời nắng mưa: “Các con có mần (làm) thì mình vẫn không nghỉ hẳn được, tụi nó có cái không biết mần (làm), mình vẫn phải ra hướng dẫn.” Ông có 9 người con cả thảy. Với mấy chục năm kinh nghiệm, ông đã từng tin rằng sẽ không bao giờ mình lẫn “tập đoàn gia đình” này rơi vào cảnh một vụ trắng tay nữa.

“Hôm đó, tui đi thăm vuông tôm, tự dưng thấy tôm nổi đầu lên mé bờ hàng loạt, cuống cuồng đi vớt lên, cứu được chút đỉnh nào hay chút đó” – ông Ba Đặng vẫn còn nhớ rõ cái ngày sự tự tin của ông sụp đổ. “Thật ra cũng không phải là cứu nữa, kỹ sư cũng phải chịu thôi, chỉ cố đặt lưới bắt lên bờ được con nào hay con nấy. Bình thường các năm cũng trồi sụt, nhưng không đến nỗi trắng trơn như năm nay.”

Ông Trần Bình Đặng (Cà Mau) bên ruộng lúa kết hợp vuông tôm của gia đình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong gần 20 năm, mô hình lúa-tôm là chìa khóa giúp người nông dân ở huyện Thới Bình, Cà Mau chống chọi lại với sự khắc nghiệt của mảnh đất này. Canh tác lúa trên đất nuôi tôm giúp họ thích ứng với sự thất thường của con nước lẫn đất trời. Mùa hạn, nông dân Thới Bình bơm nước mặn từ kênh thủy lợi vào đồng để nuôi tôm, cua, cá.

Mùa mưa đến, đồng ruộng được rửa mặn, các chất thải sau vụ tôm rất tốt cho bộ rễ cây lúa. Thu hoạch xong, thân và rễ lúa phân hủy lại kích thích sự phát triển của các phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm. Lúa và tôm cộng sinh đem lại hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho cả vùng.

Nhưng năm 2020 khốc liệt chưa từng có. Đầu năm, nước nhiễm mặn quá nặng, tôm thả xuống không lớn nổi. Cuối tháng Tám, ảnh hưởng của bão gây ngập úng, tôm cua sót lại bò khỏi vuông, trôi ra sông. Những con còn sót lại cũng chết vì đáy vuông tôm bị lạnh. Khi gieo sạ vụ lúa Đông Xuân, đất bị nhiễm phèn và mặn quá nặng, lúa cũng chỉ lên được tầm một gang tay là bắt đầu chết.

“9 đứa con tôi làm thì 8 đứa làm thất (mất mùa), mỗi một đứa thì đỡ đỡ” – nói đoạn, ông Ba Đặng chỉ ra cánh đồng. “Đỡ đỡ là thế này nè, nhưng rồi cũng chết thôi” – ông thở dài. Ngoài ruộng, nhìn từ xa vẫn còn màu xanh. Nhưng lại gần mới thấy gốc lúa đã chết khô. “Đỡ đỡ” đơn giản là chết chậm hơn.

Là một trong những người còn nhiều đất hiếm hoi của vùng này, ông Đặng và các con sẽ cố bám trụ. Nhưng mùa vụ đầu tiên trắng tay từ lúa đến tôm đã để lại những dư chấn không hề nhỏ.

Cận cảnh bộ rễ đã hỏng của cây lúa do đất bị nhiễm mặn quá nặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Kéo một nắm lúa vẫn còn màu xanh ở ngọn lên, ông Lê Văn Thưởng, ở không xa nhà ông Ba Đặng, chỉ vào phần rễ đen sì, khô đét: “Đây, thế này là lúa chết, không hút được gì nữa.” Năm nay dù đã ngoài 50 tuổi, ông lao động với tâm trí của một người dường như còn rất nhiều thời gian cho tương lai: công sức trên đồng lúa-tôm chủ yếu dùng để trả nợ tín dụng, trong suốt 10 năm qua.

“Tôi vay 200 triệu đồng để đầu tư làm lúa-tôm và cất được cái nhà, sau vài năm thấy nó thành 220 triệu đồng, hoảng quá mới tính bán đất” – ông Thưởng chỉ vào mảnh ruộng lớn trước mặt. Một nửa khoảnh đất này đã không còn là của ông nữa. “Tui phải bán không thì lãi mẹ đẻ lãi con, không cáng đáng được. Vị chi là tui mất 1,6ha rồi. Năm nay còn trắng tay nữa, chưa biết tính sao.”

Sự thất thường của thời tiết không chỉ tấn công trực tiếp vào đồng ruộng-vuông tôm, mà còn gặm nhấm dần tài nguyên quan trọng nhất: đất. Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 2 triệu hecta đất trồng lúa mỗi năm, trong đó, khoảng 58,5% diện tích đất có yếu tố phèn, mặn, nghèo dinh dưỡng.

Vùng đất trù phú này đã bắt đầu đi đến giới hạn, sau nhiều năm canh tác chỉ đơn giản bằng chủ nghĩa kinh nghiệm và hy sinh sức khỏe thuần túy: “Nếu mà thời tiết khắc nghiệt kéo dài thế này thì vùng đất sẽ bạc màu, thiên nhiên không còn ưu đãi thì bà con lâm nguy” – anh Văn, trưởng ấp Thanh Tùng, chỉ vào một phần ruộng nứt nẻ bạc phếch.

Hình ảnh phổ biến ở toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là người nông dân đeo một bình thuốc sâu và cứ thế đi xịt chay cả cánh đồng. Trước đây, để tiết kiệm chi phí, ông Viễn tự vác bình đi xịt thuốc. Mỗi lần về đến nhà, ông đều thấy “tức ngực, không thở nổi”, dù be bịt kín đến đâu. Giờ ý thức được rằng “độc hại lắm”, ông mướn người xịt.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái, hầu hết nông dân trồng lúa đều sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn mức được khuyến nghị. Quan trắc môi trường cho thấy nước bề mặt trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển… đã có các dấu hiệu bị ô nhiễm. Hệ sinh thái suy giảm vào một thời điểm tự nhiên đang trở nên “nhạy cảm” ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Ba Thê trước cửa ngôi nhà cô quạnh đã từng là nơi ở của 7 nhân khẩu. Nay chỉ còn mình bà và một đứa cháu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hệ sinh thái suy giảm không chỉ là câu chuyện của khoa học, mà còn là về các gia đình và những ký ức tập thể của nó. “Hai vợ chồng nó đi từ Tết đến giờ, hơn một năm rồi. Mới về được đúng lần giỗ ba nó. Lâu thế này, tui chỉ sợ quên nốt mặt tụi nó”- bà Ba Thê hơi nghẹn ngào.

Bà vẫn đưa tay lên đếm được rằng mình có 5 đứa con trai, 5 con gái, nhưng giờ chỉ nhớ nổi vài kỷ niệm, như là đã đưa cậu con trai thứ năm đi nhập ngũ, “dắt nó lên tận tầng ba rồi tui mới về,” câu chuyện mà bà nhắc đi nhắc lại đến 3 lần khi nói với chúng tôi. Bà không thể nhớ nổi đã mất liên lạc với từng người như thế nào, và nỗi sợ “quên nốt mặt tụi nó”, những người con của bà, không hề là một chuyện đùa.

Có lẽ vì bà biết rằng các sự kiện đã và đang nhòa đi nhanh hơn. Trong trí nhớ đã rất lẫn lộn của bà chỉ còn những con số, không có gương mặt. Và bà dường như rất thèm những gương mặt.

– Bà có nhớ các con không?

– Cũng nhớ, giờ mong con cháu về cho bà chúng nó tiền, nuôi mình chứ giờ chả biết sao, mà nó đâu có dzìa. Mà các chú có quay lại không?

– Vâng chúng con sẽ còn quay lại.

– Nhớ nhé, trước cũng có mấy chú vào làm lại chứng minh nhân dân cho tui, xong có nói sẽ quay lại thăm mà mãi chưa thấy!

– Vâng!