Đà Nẵng sẽ thiếu hơn 1 tỷ m3 nước sinh hoạt

ThienNhien.Net – Đà Nẵng sẽ thiếu hơn 1 tỷ m3 nước sinh hoạt vào mùa khô là nhận định của Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đà Nẵng.

Sáng 26/7, UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan và đại diện Bộ TNMT, UBND tỉnh Quảng Nam nhằm tìm ra giải pháp quản lý nguồn nước mặt của TP Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, kiêm phó Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng lo lắng: “Đà Nẵng là địa phương giàu về tài nguyên nước, nhưng trong bối cảnh hiện tại, Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt”.

Trước nguy cơ thiếu nước do thủy điện và biến đổi khí hậu, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp bàn tìm giải pháp bảo vệ nguồn nước (Ảnh: VTC News)

Theo thống kê của UBND TP Đà Nẵng, tiềm năng tài nguyên nước của thành phố là 231.059 m3/ngày đêm, nhưng nhiều khu vực đang cạn kiệt và bị nhiễm mặn, trong khi nhu cầu nước của thành phố ngày càng tăng cao. Ông Thắng phân tích, trong khi có đến 70% lượng nước phân bổ trong mùa mưa với cường độ và lưu lượng ngày càng lớn, thì về mùa khô, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Bên cạnh đó, nước bị hệ thống thủy điện trên thượng lưu sông Vu Gia làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố.

“Vào mùa khô, thủy điện ĐắkMi 4 lấy đi hơn 1,2 tỷ m3 nước chảy về hạ du sông Vu Gia, trong khi đó thủy điện Sông Bung đi vào hoạt động sẽ làm thiếu hơn 700 triệu m3 nước. Và như hiện tại, Đà Nẵng đang thiếu khoảng 1 tỷ m3 nước khi bước vào mùa khô. Nếu chúng ta không có giải pháp thì tình hình sẽ rất nguy hiểm”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Thắng, Đại diện Công ty cấp nước Đà Nẵng cho biết, bình quân nhà máy nước Cầu Đỏ lấy khoảng 200.000m3/ngày đêm để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, hiện nhà máy này đang phải lấy nước từ đập An Trạch ở khá xa, cộng với chất lượng nước không tốt nên đẩy chi phí sản xuất lên rất cao.

Hơn nữa, nguồn nước từ đập An Trạch chỉ là giải pháp tình thế. “Về lâu dài phải cấp nước đầy đủ cho sông Cầu Đỏ, nếu thiếu nguồn cung, nước cúp sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh xã hội của Đà Nẵng. Đây là vấn đề mà Đà Nẵng đang đối mặt”, đại diện Công ty cấp nước Đà Nẵng nói.

Tình trạng khô hạn đã xảy ra tại hạ du các con sông khiến Đà Nẵng thiếu hơn 1 tỷ m3 nước vào mùa khô
Tình trạng khô hạn đã xảy ra tại hạ du các con sông khiến Đà Nẵng thiếu hơn 1 tỷ m3 nước vào mùa khô (Ảnh: VTC News) 

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Cục Môi trường, Bộ TNMT tại Khu vực miền Trung-Tây nguyên cho rằng: “Vấn đề nguồn nước của Đà Nẵng cần có sự phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan liên quan để có sự điều phối lưu lượng nước qua lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm cục bộ đối với nguồn nước đầu nguồn đang xuất hiện do tình trạng khai thác khoáng sản càng làm cho nguồn nước bị thu hẹp, kém chất lượng. Và nước của Đà Nẵng phụ thuộc vào Quảng Nam rất lớn vì các thủy điện và thượng lưu các con sông đều từ Quảng Nam. Nên điều cần nhất là 2 địa phương cần ngồi lại, phối hợp chặt chẽ với nhau.

Trong khi chờ các bên đi đến những cam kết cụ thể về mặt nguyên tắc thì Đà Nẵng phải tự cứu mình bằng việc đệ trình lên các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo thủy điện ĐắkMi 4 trả nước lại cho sông Vu Gia. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng Đà Nẵng, việc trả nước này vẫn mang tính đối phó, thiếu tính bền vững và Đà Nẵng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu nước vào mùa khô.

“Đà Nẵng đã có nhiều cảnh báo nhưng sự việc vẫn chưa được cải thiện và các bên liên quan vẫn tiếp tục tranh cãi. Chính phủ đã yêu cầu trả lại lưu lượng 25m3/s cho sông Vu Gia, nhưng quan trọng là phải trả thường xuyên lưu lượng chứ không phải chỉ vào mùa mưa.

Việc các thủy điện phía thượng lưu chỉ chú tâm đến việc phát điện kinh doanh, cộng với tác động của biến đổi khí hậu thì nước sinh hoạt là vấn đề lớn của Đà Nẵng. Quan điểm của chúng tôi là phải trả lại đủ nước cho Đà Nẵng nếu không sẽ rất nguy hiểm”, ông Huỳnh Vạn Thắng chia sẻ.