Diễn đàn Quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai

ThienNhien.Net – Nhận thức sâu sắc về hiểm họa thiên tai, nhiều năm qua, Nhà nước và người dân Việt Nam đã ưu tiên quan tâm cho công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch chiến lược cụ thể. Xuất phát từ đó, Diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được tổ chức sáng 07/10, thu hút hàng trăm đại biểu từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.


Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trình bày những tham luận về một thực tế là nhiều trận thiên tai xảy ra mà hậu quả để lại đã trở thành những thảm họa đau thương, cản trở sự phát triển của các quốc gia. Các trận bão với cường độ lớn như cơn bão Mitch, Katrina ở châu Mỹ, Nargis ở Myanma; những trận động đất và sóng thần ở In-đô-nê-xi-a, ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), ở Ý; hạn hán và cháy rừng tại Úc, Hy Lạp; lũ quét, sạt lở đất và hàng ngàn trận thiên tai khác nhau xảy ra trên các vùng miền ở nhiều châu lục.

Các đại biểu cũng đề cập tới những thách thức lớn hiện nay trên thế giới cũng như đối với Việt Nam về việc huy động các nguồn lực của cộng đồng, các giải pháp phát triển đảm bảo hài hòa với thiên nhiên, môi trường, lồng ghép hoạt động giảm nhẹ thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế.

Tới dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn Diễn đàn là sự khởi đầu để thiết lập một Diễn đàn quốc gia hàng năm, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng thể chế chính sách, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Tính trung bình 5 năm qua, mỗi năm thiên tai cướp đi gần 400 sinh mạng, thiệt hại về tài sản ước từ 1-1,5% GDP. Nếu mức nước biển dâng cao thêm 1 m, 90% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trong mùa lũ, còn trong mùa khô 71% diện tích vùng này sẽ bị xâm nhập mặn. Đây là những cảnh báo đáng lo ngại.

Nhận thức sâu sắc về hiểm họa thiên tai, nhiều năm qua Nhà nước và người dân Việt Nam đã ưu tiên quan tâm cho công tác phòng chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai, thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch chiến lược cụ thể. Với quan điểm phòng ngừa là chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện, xác định ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, những kết quả và kinh nghiệm từ diễn đàn sẽ được tổng hợp để gửi những thông điệp, khuyến nghị thiết thực tại vòng đàm phán các bên liên quan về vấn đề biến đổi khí hậu (COP 15) tổ chức tại Đan Mạch tháng 12 tới đây.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Nhân đạo Toàn cầu (GHF) công bố cuối tháng 05/2009, biến đổi khí hậu cướp đi sinh mạng của khoảng 315.000 người và ảnh hưởng tới 325 triệu người/năm. Biến đổi khí hậu còn làm thiệt hại hơn 12 tỷ USD/năm và dự kiến tăng lên 340 tỷ USD/năm vào năm 2030.