Doanh nghiệp tại Việt Nam “rục rịch” cắt giảm carbon, chuyển sang kinh tế tuần hoàn

Thực hiện mục tiêu Net Zero, ngoài việc vận hành, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, cắt giảm phát thải carbon thì tạo ra lối sống, lối tiêu dùng bền vững, đóng vai trò hết sức quan trọng…

Các diễn giả tại tọa đàm “Doanh nghiệp và mục tiêu NetZero: Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon” sáng 13/7.

Phát biểu tại tọa đàm “Doanh nghiệp và mục tiêu Net Zero: Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon” trong sáng 13/7 tại TP HCM, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cho biết, tại Việt Nam, VBCSD đã tiên phong thúc đẩy, lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp những năm gần đây. VBCSD đã thực hiện đa dạng các hoạt động truyền thông, nghiên cứu, đào tạo, kiến nghị chính sách và hợp tác trong các dự án hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chủ tịch VBCSD cũng chỉ ra các xu thế mới của cộng đồng doanh nghiệp thế giới, có tác động mạnh mẽ đến thực hành kinh doanh bền vững. Đó là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi chuỗi giá trị, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và thúc đẩy chuyển đổi số song hành, bổ trợ cho chuyển đổi xanh. Đồng thời khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, kịp thời nắm bắt các xu thế này để bắt kịp với xu thế xanh của cộng đồng quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Công Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế – Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Đại học Kinh tế quốc dân), nhấn mạnh đến sự gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện kinh tế tuần hoàn với các mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Hiện nay, trên thế giới, đã có 54 quốc gia đã và đang xây dựng chiến lược hoặc kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn và những nội dung liên quan như phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Bên cạnh đó, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành vào tháng 6/2022. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

“Tái chế không phải là câu trả lời cho bài toán thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, thay vào đó cần tập trung vào bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguyên liệu thô. Thiết kế, công nghệ, số hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình quay vòng dòng vật chất và kéo dài vòng đời sản phẩm để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, “trái tim và khối óc”, có nghĩa là “quy tắc xã hội” giúp thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo lập nhu cầu, mới là yếu tố cốt yếu để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững”, PGS.TS Nguyễn Công Thành chia sẻ thêm.

Trong tọa đàm, các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon cũng được các diễn giả đến từ Tập đoàn PAN, Home Credit Việt Nam, AEON Việt Nam, Schneider Electric Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn đa chiều, những thông lệ tốt đang được triển khai cùng các kiến nghị thiết thực, hữu ích để thúc đẩy, lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn, hành động ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Đại diện cho VBCSD, ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký VBCSD cho rằng những cải tiến và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật (công nghệ số, công nghệ chế tạo và các giải pháp tổng hợp) đang tạo động lực mạnh cho sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn là thay đổi cách thức tạo ra sản phẩm, kiến tạo thị trường, và kiến nghị chính sách.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông tại Nestlé Việt Nam, cho biết, từ năm 2015, tất cả nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không rác thải chôn lấp ra môi trường”. Trong đó, nhiều sáng kiến mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên. Hệ thống xử lý nước đã giúp Nestlé tái sử dụng 60-65% tổng lượng nước thải. Các chất thải (bã cà phê, cát thải từ lò hơi,…) từ sản xuất đều được tận dụng để trở thành năng lượng xanh, hoặc nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác.

Ngoài ra, trong chuỗi cung ứng của Nestlé, phát thải từ hoạt động nông nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của tập đoàn. Điều này cho thấy phần lớn lượng phát thải đến từ thượng nguồn chuỗi giá trị. Nhằm mục tiêu giảm phát thải tại thượng nguồn chuỗi giá trị, Nestlé áp dụng 2 cách tiếp cận chiến lược, gồm: Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh, bảo tồn và tái tạo rừng.

Được biết, sau chương trình này, sẽ còn có trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững (VCSF) 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” vào ngày 23/8 tại Hà Nội.