Bị phạt nhiều lần, doanh nghiệp vẫn xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Khi mọi người dân còn đang vui đón năm mới trong không khí an lành, vui tươi thì hàng trăm hộ dân ở các ấp Cần Đước, ấp Khu 2 và Khu 3 thuộc xã Thạnh Phú huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng lại phải chịu đựng mùi hôi thối do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nước thải mà doanh nghiệp Tấn Nhất Phương (còn có tên là Nhật Phượng) chuyên mua bán, kinh doanh, chế biến thủy sản trên địa bàn xả thải vô tội vạ xuống kênh Cần Đước và sông Nhu Gia. Chính vì thế, từ mùng 6 Tết Giáp Ngọ, người dân đã phải phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm và Phòng Tài nguyên môi trường huyện Mỹ Xuyên đã phối hợp với xã Thạnh Phú có cuộc kiểm tra hiện trường, lập biển bản với doanh nghiệp Tấn Nhất Phương về việc gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến khu dân cư.

Điều đáng nói là đây là lần thứ 4 doanh nghiệp bị lập biên bản vi phạm, với mức xử phạt 50 triệu đồng do hành vi xả thải vượt tiêu chuẩn gây ô nhiễm từ 10 lần trở lên, tái vi phạm nhiều lần. Đồng thời UBND huyện Mỹ Xuyên yêu cầu trong thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp phải thực hiện việc xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định…Trước đó, doanh nghiệp này đã có 3 lần bị UBND huyện Mỹ Xuyên và Thanh Tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh lập biên bản, ra quyết định xử phạt với tổng cộng trên 74 triệu đồng.

Ống xả nước thải ô nhiễm từ DNTN Tấn Nhất Phương đổ ra kênh Cần Đước (Ảnh: Nam Thơ/Công an Nhân dân)
Ống xả nước thải ô nhiễm từ DNTN Tấn Nhất Phương đổ ra kênh Cần Đước (Ảnh: Nam Thơ/Công an Nhân dân)

Theo ông Mai Thanh Cầu, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú thì Doanh nghiệp Tấn Nhất Phương có 2 chi nhánh, 1 ở ấp Cần Đước và chi nhánh 2 ở ấp Khu 2 (xã Thạnh Phú). Hàng ngày, cả 2 chi nhánh của doanh nghiệp này sử dụng khoảng trên dưới 100 lao động để sơ chế tôm đông lạnh. Việc xả thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà đang là mối lo cho cho cả người dân và chính quyền địa phương. Dòng kênh Cần Đước là kênh tạo nguồn trữ ngọt liên thông với nhiều dòng kênh thẻ khác phục vụ tưới tiêu trên diện tích cả ngàn ha lúa, khi dòng kênh bị ô nhiễm quá thì buộc thủy nông huyện phải cho mở cống xả nước ra sông lớn Nhu Gia, trong khi đó sông này đang bị nhiễm mặn, nếu mở cống sẽ ảnh hưởng đến cây lúa và hoa màu của người dân.

Mặc dù đã nhiều lần bị lập biên bản vi phạm quả tang và có quyết định xử phạt nhưng việc khắc phục của doanh nghiệp chưa có chuyển biến dù mỗi lần nhận quyết định thì chủ doanh nghiệp đều có cam kết khắc phục. Đến nay, cả 2 cơ sở trên vẫn tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của bà con.

Người dân bức xúc trình bày việc DNTN Tấn Nhất Phương xả nước thải ra kênh Cần Đước, gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Nam Thơ/Công an Nhân dân)
Người dân bức xúc trình bày việc DNTN Tấn Nhất Phương xả nước thải ra kênh Cần Đước, gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Nam Thơ/Công an Nhân dân)

Ngày 11/2, phóng viên có mặt tại hiện trường, nhiều người dân rất bức xúc cho biết: Thường doanh nghiệp này xả thải vào khoảng 7-8 giờ tối đến chạng vạng sáng hôm sau. Bà Lê Thị Bích Nga – một người dân sống gần khu vực xả thải ở ấp Khu 3 cho biết, trong vụ lúa trước, gia đình chị đã chịu lỗ nặng khi năng suất thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt 700 kg/công (1.300m2), trong khi những vụ lúa trước đều đạt trên 1 tấn/công. Còn vụ này chưa biết sẽ như thế nào hiện nay nước đang bị ô nhiễm, nếu bơm lên ruộng làm ảnh hưởng không chỉ diện tích mặt ruộng mà còn làm ô nhiễm cả khu vực canh tác trước đây.

Những ngày doanh nghiệp xả thải nhiều, các hộ dân sống dọc hai bên kênh Cần Đước phải khép kín cửa cả ngày vì mùi nước hôi thối bốc lên từ dòng kênh, dù 2 cống Trà Tép và cống Rạch Sên mở ra sông Nhu Gia đã mở để nước lưu thông, nhưng chỉ cần những cơn gió thoảng nhẹ là mùi hôi đã xộc lên không thể chịu nổi.

Hàng chục hộ dân sống ở khu vực xả thải của doanh nghiệp Nhật Phượng, đại diện cho nhân dân 2 ấp Cần Đước và ấp Khu 3 đã cùng ký tên gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Còn ông Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cũng thừa nhận đã “bó tay” với doanh nghiệp, xã không đủ thẩm quyền để xử lý và việc giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm, tái phạm của doanh nghiệp Tấn Nhất Phương địa phương đang chờ sự “mạnh tay” của các cấp có thẩm quyền cao hơn.