“Thủ phạm” gây giá rét dị thường ở Mỹ có tác động đến thời tiết Việt Nam?

“Thủ phạm” chính gây nên tình trạng bão tuyết và giá rét kỷ lục ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu những ngày qua là biến đổi khí hậu. Theo GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thời tiết Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng.

Hiện tượng cực đoan ngày càng gia tăng

Những cơn bão mùa đông liên tiếp đổ bộ khắp nước Mỹ trong những ngày gần đây đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người ở ít nhất 8 bang. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác những ngày qua cũng đối mặt với tình trạng tuyết trắng bao phủ, ảnh hưởng tới cuộc sống.

Tại Nga, tuyết dày đã chôn vùi nhiều con đường ở thủ đô Matxcơva, làm đứt gãy giao thông, trì hoãn các chuyến bay khi nhiệt độ rơi xuống âm 15 độ C. Lượng tuyết rơi đã phá kỷ lục theo ngày của năm 1973.

Trước đó, nước Anh ghi nhận nhiệt độ lạnh nhất trong vòng 25 năm ở Braemar, Aberdeenshire tối 10.2 với mức nhiệt âm 23 độ C.

Băng tuyết và giá rét bất thường đang “thống trị” nhiều quốc gia và làm phơi bày sự thật thời tiết đang diễn biến ngày càng cực đoan và dị thường.

Theo GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay sự nóng lên toàn cầu hay còn gọi là biến đổi khí hậu đang biểu hiện rõ nét.

“Tính bất thường ở chỗ sự nóng lên này không đều ở các vĩ độ khác nhau dẫn đến sự biến đổi trong hoàn lưu khí quyển và đại dương. Sự biến đổi này không chỉ theo phương nằm ngang mà còn theo phương thẳng đứng nữa nên các hiện tượng cực đoan sẽ ngày càng gia tăng” – GS.TS Phan Văn tân phân tích

GS. TS Phan Văn Tân phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến thời tiết. Ảnh: T.A.

GS.TS Phan Văn Tân cho rằng, nếu như trước đây về mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mùa hè nhiệt độ cao lên tạo ra một chu trình nhiệt. Thế nhưng bây giờ, nhiệt độ có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với quy luật và đôi khi cực đoan. Không chỉ nhiệt độ, kể cả lượng mưa cũng có thể thay đổi, có những vùng trước đây có thể hạn hán liên miên ít mưa nhưng bây giờ đã ghi nhận những đợt mưa vượt quá kỷ lục.

“Những hiện tượng mưa tuyết, bão tuyết những ngày qua và những năm gần đây ở châu Âu, ở Mỹ hay kể cả những nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc chính là kết quả của biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là mùa đông nhiệt độ hạ xuống thấp nhiều hơn và mùa hè nhiệt độ tăng lên cao nhiều hơn. Điều này là biểu hiện khá phổ biến trên toàn cầu và ở Việt Nam cũng không loại trừ điều đó” – GS.TS Phan Văn Tân nhấn mạnh.

Tác nhân biến đổi khí hậu

Theo GS.TS Phan Văn Tân, “thủ phạm” gây mưa tuyết và giá rét kỷ lục ở Mỹ và châu Âu những ngày qua cũng chính là nguyên nhân hàng loạt thiên tai dị thường ở Việt Nam thời gian qua.

“Nếu như những năm trước các phóng viên ảnh phải lên trực vùng Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) để “săn” băng giá, mưa tuyết xuất hiện thì những năm gần đây hiện tượng đó xuất hiện nhiều hơn và không tốn công sức chờ đợi. Năm 2013 tuyết ở Sa Pa dày chưa bao giờ xảy ra, còn năm 20216 tuyết còn rơi ở khu vực phía Bắc Nghệ An” – GS.TS Phan Văn Tân chỉ rõ sự thay đổi của thời tiết.

Theo vị chuyên gia khí tượng này, về mùa hè dấu hiệu biến đổi khí hậu còn rõ nét hơn, nắng nóng kỷ lục liên tiếp xảy ra. Nhiệt độ cao nhất ở mùa hè sau luôn xác lập những kỷ lục mới, có những đợt nắng rất gay gắt kéo dài.

“Ngoài ra, bão “chồng” bão và lũ lụt “nối đuôi” nhau gây thảm hoạ ở miền Trung nước ta trong năm 2020 chính là ví dụ điển hình cho thời tiết ngày càng cực đoan và tác nhân là biến đổi khí hậu” – GS.TS Phan Văn Tân nhấn mạnh.