Tỉnh Thái Nguyên: Hộ dân bàn giao 6 cá thể hổ cho Nhà nước

Ngày 7-6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, Hạt Kiểm lâm TP Thái Nguyên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội bắt đầu tiến hành tiếp nhận 6 cá thể hổ do hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Thường (tổ 5, xã Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) tự nguyện giao nộp cho Nhà nước.

Ngày 4-4-2007, sau khi phát hiện hoạt động nuôi nhốt hổ trái phép tại một số cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1761/VPCP-NN đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao hổ bị nuôi nhốt trái phép cho các hộ nuôi tại đây được “nuôi thí điểm vì mục đích bảo tồn”.

Sau các trường hợp này, cũng trong năm 2007, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hoạt động nuôi nhốt hổ trái phép tại cơ sở của ông Nguyễn Khắc Thường. Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Thường do hành vi nuôi nhốt hổ trái phép, tương tự như các trường hợp nuôi nhốt hổ tại Bình Dương, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã giao hộ gia đình ông Thường tiếp tục nuôi thí điểm số hổ trên. Được biết, từ 2016 đến nay, số cá thể hổ nuôi nhốt tại trang trại của ông Thường luôn duy trì là 6 con.

2 trong số 6 cá thể hổ tại nhà ông Nguyễn Khắc Thường (tổ 5, xã Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: ENV

Ông Nguyễn Khắc Thường cho hay: “Tôi nuôi 6 con hổ trên cũng đã gần 20 năm. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe và kinh tế không còn cho phép, tôi quyết định chuyển giao số hổ này cho Nhà nước với mong muốn chúng sẽ được chăm sóc ở điều kiện tốt nhất”.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), hiện nay, số lượng hổ nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân có đăng ký trên cả nước (trang trại và vườn thú tư nhân) đã lên đến con số hơn 300 con, tính đến tháng 4-2023. Con số này đã tăng khoảng gần 6 lần so với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký được ghi nhận năm 2007 (khoảng hơn 50 con).

Qua quá trình đánh giá hoạt động nuôi nhốt hổ và các loài động vật hoang dã tại các cơ sở trên trong những năm qua, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho biết: “Về cơ bản các cơ sở đều tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở “núp bóng” các cơ sở nuôi động vật hoang dã phi thương mại để thực hiện các hoạt động buôn bán trái phép”.

Do vậy, thời gian qua, ENV đã có nhiều văn bản đề xuất các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá chương trình nuôi thí điểm hổ từ năm 2007 để có những giải pháp phù hợp cũng như tăng cường công tác quản lý hổ nuôi nhốt, ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Bên cạnh đó, ENV cũng đề xuất các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng và ban hành quy định pháp luật để quản lý hiệu quả các cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại, đặc biệt quy định giới hạn hoạt động sinh sản của các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ở số lượng nhất định với mục tiêu bảo tồn và giáo dục.

Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết: “Hổ là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật. Để có thể nuôi hổ vì mục đích giáo dục hay bảo tồn cần phải bảo đảm kinh nghiệm, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thú y, phúc lợi phù hợp. Việc nuôi nhốt hổ tại các hộ dân mà không đáp ứng điều kiện không những làm hổ mất đi các tập tính tự nhiên mà còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật”.

Dự kiến, việc chuyển giao toàn bộ 6 con hổ về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội sẽ hoàn thành vào ngày 8-6, nâng tổng số hổ được chăm sóc tại đây lên con số 41.