Mô hình du lịch bền vững tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình

Bên cạnh nhiệm vụ cứu hộ và chăm sóc cho gấu, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình còn phát triển mô hình du lịch bền vững, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ phúc lợi động vật và bảo tồn thiên nhiên.

Với công trình cầu trên cao, du khách dễ dàng quan sát, ngắm nhìn những chú gấu.

Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình (bản Săm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan) được thành lập và đầu tư xây dựng bởi Four Paws – một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ phúc lợi động vật toàn cầu. Nơi này là mái nhà chung của gần 50 cá thể gấu từng là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật và buôn bán, vận chuyển gấu trái phép tại Việt Nam. Không chỉ cứu hộ và chăm sóc cho những chú gấu, từ năm 2019, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình còn bắt đầu thử nghiệm mô hình du lịch bền vững.

Du khách khi đến với Cơ sở sẽ được chứng kiến sự phục hồi thần kỳ của những cá thể gấu từng bị thương tổn bởi nạn nuôi nhốt lấy mật, tìm hiểu đời sống của chúng tại khu bán tự nhiên và công tác chăm sóc gấu tại Cơ sở. Với công trình cầu trên cao, khách du lịch có thể nhìn toàn cảnh khu bán tự nhiên, tận mắt chiêm ngưỡng những sinh hoạt đời thường vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu của gấu từ ngủ, bơi lội, leo trèo, tìm kiếm thức ăn… Triển lãm về gấu đầu tiên ở Việt Nam tại đây cung cấp những thông tin lý thú về loài gấu: các loài gấu trên thế giới, câu chuyện cuộc đời của những chú gấu trước khi đến với Cơ sở và hàng loạt những hình ảnh độc nhất vô nhị về những khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc của gấu sau khi được giải cứu.

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của gấu và công việc của những người chăm sóc gấu, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình cung cấp dịch vụ tham quan có hướng dẫn; kết nối với các trường học thiết kế các chương trình giáo dục trải nghiệm như “Hướng dẫn bé làm đồ ăn cho gấu”, “Em biết gì về gấu”…

Tới đây du khách có cơ hội ngắm nhìn những chú gấu vô cùng đáng yêu đang nô đùa vui vẻ.

Chị Nguyễn Thu Trang – Hướng dẫn viên du lịch tại đây, cho biết: Mặc dù phát triển mô hình du lịch nhưng Cơ sở luôn đảm bảo không quá ồn ào để tránh ảnh hưởng đến các cá thể gấu. Chính vì vậy, Cơ sở đã giới hạn số tour trên ngày, số lượng người trong tour. Khi du khách đến tham quan chúng tôi sẽ hướng dẫn và nói rõ nội quy của Cơ sở để du khách tuân thủ. Để truyền tải thông điệp về lối sống xanh, thân thiện với môi trường, chúng tôi cung cấp cho du khách các món ăn chay (ưu tiên sử dụng nông sản tại địa phương) và nói không với các set ăn sử dụng một lần để hạn chế rác thải nhựa. Tại quầy lưu niệm, Cơ sở ưu tiên bày bán các sản phẩm được làm thủ công bởi người dân địa phương, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng được. Tất cả rác thải tại Cơ sở đều được phân loại và tái chế, tái sử dụng, đặc biệt rác thải từ nhà gấu, cũng như phân gấu cơ sở có một quy trình xử lý khép kín để tạo ra phân hữu cơ và tái sử dụng cho thảm thực vật. Nhờ vậy, thời gian qua, thảm thực vật nơi đây đã được phủ xanh trở lại, nhiều loại động vật bản địa đã quay trở lại sinh sống cùng gấu ở bên trong khu vực bán hoang dã như cầy vòi, sóc, chim,…

Có một điều đặc biệt nữa là từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình luôn nỗ lực hút và tạo việc làm cho lao động địa phương trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch. Hiện nay, 70% anh chị em làm việc tại Cơ sở là người dân các xã Kỳ phú, Phú Long, Cúc Phương. Bên cạnh, đó việc thu mua các nông phẩm của người dân để làm thức ăn cho gấu, sử dụng cho bếp ăn chay cũng là một cách để Cơ sở đóng góp vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp của vùng, hỗ trợ kinh tế địa phương.

Một em bé thích thú khi được tự tay làm đồ ăn cho gấu.

Với những nỗ lực của mình, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình đang dần trở thành điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên, trong năm 2022, Cơ sở đã đón hơn 10 nghìn lượt khách và nhận được rất nhiều đánh giá tích cực, đặc biệt là khách quốc tế và các nhóm học sinh.

Chị Hoàng Lam, Công ty du lịch bền vững DCT, Hà Nội chia sẻ: Du khách, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng khao khát các trải nghiệm mới, các loại hình du lịch thân thiện với môi trường. Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình là một trong những lựa chọn tuyệt vời bởi không gian nơi đây gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, Cơ sở cũng đang thực hiện những hoạt động rất ý nghĩa trong việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Còn đại diện Esia Travel (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) bà Nguyễn Phương Thảo cũng cho biết: Khách hàng của đơn vị chủ yếu là khách ngoại quốc nên họ rất chú ý đến yếu tố môi trường, sinh thái, khi được đưa đến thăm quan tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình họ đã rất thích thú. Tôi nghĩ, ngoài các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, đây chính là một nét chấm phá làm tăng sự đa dạng, hấp dẫn cho du lịch Ninh Bình trong mắt du khách.

Bà Ngô Mai Hương, Giám đốc Four Paws Việt chia sẻ: Chúng tôi mong muốn từ những chuyến thăm quan trải nghiệm tại Cơ sở, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của thiên nhiên sẽ dần được nâng lên và sẽ có thêm nhiều người cùng chung tay đóng góp vào công tác bảo vệ gấu, bảo vệ phúc lợi cho động vật.

Nguyễn Lựu/Four Paws

Nguồn: