Săn bắt, mua bán động vật quý hiếm: Thiếu hiểu biết, nhận hậu quả

Do thiếu hiểu biết nên thời gian gần đây, nhiều người dân đã săn bắt, mua bán động vật hoang dã, động vật quý hiếm, vô tình vi phạm pháp luật và hậu quả là phải nhận hình phạt theo quy định.

Ngày 7/10/2022, khi vào rừng gần nhà lấy củi, N.Q.P, sinh năm 1992, trú tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc đã phát hiện và bắt 1 con cu li về nhà nuôi, nhốt. 4 ngày sau, P bán con cu li cho H.V.C, sinh năm 1995, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn với giá 300 nghìn đồng. Trong quá trình nuôi, nhốt, chăm sóc, C lên mạng tìm hiểu thì mới biết hành vi mua bán, nuôi nhốt cu li là vi phạm pháp luật nên ngày 18/10/2022, C đã đến Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh tự thú và giao nộp 1 cá thể cu li. Tháng 3/2023, Tòa án Nhân dân TAND huyện Cao Lộc đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo P 1 năm 6 tháng tù; bị cáo C 1 năm tù, cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Lực lượng chức năng huyện Chi Lăng thu giữ các cá thể động vật hoang dã

Trước đó, tháng 8/2022, L.T.D, sinh năm 1964, trú tại xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng và 5 người khác có hộ khẩu thường trú tại các xã: Điềm He (Văn Quan), Tân Mỹ (Văn Lãng) đã liên hệ với nhau để săn bắt, trao đổi mua bán 1 con rắn hổ mang chúa; 2 con cu li nhỏ và bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Những động vật này có tên trong danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra và phiên tòa xét xử (tháng 4/2023), các bị cáo đều khai nhận không biết việc săn bắt, mua bán những động vật này là vi phạm; các bị cáo đã phải nhận mức án theo quy định của pháp luật, trong đó bị cáo L.T.D bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam.

Không chỉ 2 vụ việc trên, thời gian qua, chỉ vì thiếu hiết biết pháp luật, cộng với thói quen săn bắt thú rừng tự nhiên để mua bán kiếm lời nên trên địa bàn có nhiều trường hợp săn bắt động vật quý hiếm về nuôi, nhốt, mua bán, gây hại đến hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học để rồi vướng vào vòng lao lý. Tính riêng trong quý I/2023, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã khởi tố 4 vụ, 4 bị can vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Tang vật thu giữ gồm 4 cá thể cu li, 2 cá thể rắn hổ mang chúa, 1 cá thể diều hoa Miến Điện, 2 bàn tay gấu. TAND các huyện, thành phố đã xét xử 3 vụ án vi phạm quy định này. Các vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng, người dân có ý định săn bắt, giết hại, buôn bán động vật quý hiếm.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Theo rà soát, thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có 8 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB với trên 11.300 cá thể cần được bảo vệ gồm: cầy hương, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, rùa câm, khỉ đuôi dài, rắn hổ mang, rắn ráo trâu, chim công Ấn Độ. Thời gian qua, đơn vị đã chủ trì và tăng cường phối hợp quản lý, bảo tồn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn. Thêm vào đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật liên quan để người dân nắm được, tránh vi phạm. Riêng trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc họp được 229 cuộc tới hơn 15.300 lượt người nghe; lồng ghép được 165 cuộc tới gần 8.700 lượt người nghe và phát 3.560 tờ rơi, 1.042 quyển tài liệu có nội dung liên quan. Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua các hình thức, đơn vị đã tuyên truyền được 100 cuộc với tổng số hơn 6.000 lượt người tham gia.

Mặc dù vậy, để tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành cũng như cả hệ thống chính trị, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Bản thân người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa cần chủ động tìm hiểu nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác bảo vệ các loài động vật này, tránh hành vi vi phạm pháp luật và nhận hậu quả.

Theo điều 244, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm… Đối với cá nhân có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm, phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng…