Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng cho rằng, cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay. Qua đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai

Tại hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, chiều 6/4, góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) nhận thấy, dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV để chỉnh lý. Đây là dự án Luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bao phủ rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến nhiều luật khác nhau nên cần nhiều thời gian tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới.

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quản quản lý Nhà nước gồm 13 nhóm hành vi tại Điều 12 của dự thảo Luật, qua nghiên cứu, ĐBQH Sùng A Lềnh nhận thấy, quy định như vậy chưa đủ, chưa đảm bảo được các hành vi xảy ra sai phạm có thể xảy ra trong thực tiễn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo chặt chẽ, không để kẽ hở, khoảng trống mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) góp ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất tại khoản 1,2,3 Điều 16 của dự thảo Luật với 13 nhóm trách nhiệm, ĐBQH Sùng A Lềnh cho rằng: 13 nhóm trách nhiệm như dự thảo quy định là chưa đảm bảo đầy đủ theo chức năng quản lý đất đai của cơ quan Nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong việc ký, đo đạc, làm thủ tục hồ sơ đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nông thôn…

Phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi

Cùng quan tâm tới dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật trình hội nghị ĐBQH chuyên trách lần này. Dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Các Đại biểu dự phiên họp tại Nhà Quốc hội.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, đột phá và rất tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia hợp lý của các vị ĐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã có nhiều chỉnh lý, hoàn thiện hơn nhiều so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV…

Góp ý về vấn đề cụ thể, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng cho biết, cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay. Qua đó, để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra, đến năm 2045 đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng tham luận.

Theo ĐBQH Nguyễn Đại Thắng, để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành và những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu hecta trở lên.

Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên thì nên giao để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ.

Ảnh minh họa.

Đại biểu cũng nêu rõ, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc Hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.