Bình Phước xử lý nghiêm việc vận chuyển động vật trái phép qua biên giới

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật; ngăn chặn, xứ lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật qua biên giới.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Ngành nông nghiệp thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các huyện, thị xã, thành phố đúng quy định. Phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương bố trí, phê duyệt dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật đúng quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức mua sắm, cấp phát hóa chất, vắc xin, vật tư triển khai tiêm phòng, tiêu độc khử trùng theo kế hoạch năm 2023 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí đúng quy định. Hướng dẫn việc triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, tiêu độc khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngành tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh theo đúng quy định; phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, công an tỉnh tăng cường hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh qua các chốt; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; phối hợp với các địa phương chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; tổ chức thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn lần 1 năm 2023 trong tháng 3/2023.

Chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

UBND các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập (có đường biên giới chung với Campuchia) tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y trên địa bàn theo quy định để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật.

Tỉnh Bình Phước hiện có tổng đàn lợn hơn 1,7 triệu con, đàn gia cầm 13,8 triệu con.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, trong tháng 2/2023, nhờ công tác thú y được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh lớn phát sinh thành ổ dịch đối với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km trên địa bàn 3 tỉnh gồm Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Hiện nay lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Phước cùng các đơn vị phối hợp triển khai hàng chục chốt, trạm biên phòng dọc biên giới để vừa đảm bảo an ninh, an toàn đường biên vừa phòng chống dịch bệnh.

Vừa qua, Bộ Y tế có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Công văn của Bộ Y tế cho biết, theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/2/2023 Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A(H5N1) trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014.