Cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển

ThienNhien.Net – Sáng 03/8, đoàn công tác Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng đại diện tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai Dự án “Cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển tại Việt Nam, Campuchia và Thái Lan”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thành Nghiệp (bên trái) phát biểu tại buổi làm việc với đoàn (Ảnh minh họa: soctrang.gov.vn)

Theo ông Nguyễn Đức Tú – đại diện IUCN, dự án trên nhằm tăng cường khả năng của chính quyền và người dân địa phương trong việc lập kế hoạch và thích ứng với các hiểm họa khí hậu trong tương lai tại tám tỉnh ven biển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Băng – Cốc (Thái Lan), bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (Cần Giờ), Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang ở Việt Nam; Kampot và Koh Kong ở Campuchia; Trat và Chanthaburi ở Thái Lan. Trong đó, Bến Tre và Sóc Trăng nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, là khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng.

IUCN và các đối tác dự án sẽ cùng làm việc để tăng cường năng lực của các tỉnh trên, qua đó giúp các cơ quan tỉnh tiến hành đánh giá tính dễ tổn thương, xác định các hoạt động thử nghiệm nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương; thiết kế, thực hiện và giám sát kết quả của các hoạt động thử nghiệm và tiến hành phân tích chi phí – lợi ích, đánh giá tính khả thi cho việc nhân rộng các hoạt động thử nghiệm ra khu vực duyên hải. Dự án cũng tạo cơ hội để cộng đồng ở các vùng khác nhau dọc đường bờ biển có thể học hỏi lẫn nhau về cách thức ứng phó với thiên tai, đồng thời tổ chức các chuyến thăm quan học tập và các diễn đàn thường niên để chia sẻ kiến thức với 12 tỉnh còn lại ở suốt dải ven biển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Băng – Cốc…

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thành Nghiệp chia sẻ: “Dự án này rất có ý nghĩa đối với vùng biển của Sóc Trăng”. Tại Sóc Trăng, Dự án sẽ chú trọng lồng ghép với các dự án khác đang được triển khai trên địa bàn, trọng tâm là xây dựng các kế hoạch ứng phó dựa trên hệ sinh thái, phát triển rừng ngập mặn, chú trọng nâng cao năng lực của chính quyền địa phương đối với biến đổi khí hậu.