Bức tranh môi trường 2022: Những gam màu sáng – tối

Song song với việc phải chứng kiến những sự kiện thời tiết cực đoan đi kèm hệ quả thảm khốc và sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine, lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng vào năm 2022, thế giới cũng ghi nhận những nỗ lực đặt tình trạng khẩn cấp về khí hậu lên hàng đầu trong các ưu tiên toàn cầu hay kết quả đạt được các thỏa thuận lớn về tài chính khí hậu và đa dạng sinh học.

Vào cuối năm 2021, khi Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) bế mạc tại Glasgow, không ai trong số những người tham gia có thể tưởng tượng rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khó khăn và khiến nhiều quốc gia đình chỉ cam kết về nền kinh tế carbon thấp trong bối cảnh họ phải tăng cường nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga và nguồn nhiên liệu hóa thạch ở nơi khác. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trái đất đang liên tục nóng lên và con người đã không thành công trong việc giảm lượng khí thải carbon và giải quyết mối đe dọa hiện hữu từ tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2022, thế giới vẫn chứng kiến nỗ lực của một số quốc gia và tổ chức như Liên hợp quốc để tiếp tục thúc đẩy, dù là với tốc độ chậm chạp và rất vất vả, để đạt được các thỏa thuận khí hậu quốc tế, đồng thời duy trì áp lực liên tục đối với các nền kinh tế lớn để tăng cường nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các nước đang phát triển – những nước có người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Kỷ lục sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt

Người dân di chuyển đồ đạc giữa dòng nước lũ tại thành phố Dera Allah Yar, Pakistan. (Ảnh:Reuters)

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố một loạt báo cáo khắc nghiệt trong suốt cả năm 2022, trong đó đáng chú ý là một nghiên cứu từ tháng 1 thông báo rằng năm 2021 là một trong 7 năm nóng nhất được ghi nhận.

Vào mùa hè, khi các đợt nắng nóng kỷ lục được báo cáo ở một số nước châu Âu, WMO tiếp tục cảnh báo rằng chúng ta đã phải làm quen với nhiều đợt nắng nóng tương tự hơn trong vài năm tới. Cảnh báo cho thấy châu Phi dự báo sẽ phải gánh chịu cuộc khủng hoảng lương thực trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở vùng Sừng Châu Phi, hàng triệu người buộc phải di dời và 4/5 quốc gia của lục địa này khó có thể quản lý bền vững nguồn cung cấp lương thực và tài nguyên nước đến năm 2030.

Trong khi một số vùng bị thiếu nước thì nhiều khu vực khác lại bị lũ lụt thảm khốc. Tại Pakistan, tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được ban bố vào tháng 8, sau lũ lụt lớn và lở đất do mưa gió mùa, tác động tới khoảng 1/3 đất nước. Hàng chục triệu người đã phải di dời.

Lũ lụt chưa từng có ở Tchad cũng đã ảnh hưởng đến hơn 340.000 người vào tháng 8 và tháng 10. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 3,4 triệu người ở Trung, Tây và Nam Phi cần được giúp đỡ trong trận lũ lụt tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.

Một sự phụ thuộc “ảo tưởng” vào nhiên liệu hóa thạch

Trong Bản tin phát thải nhà kính tháng 10, WMO đã ghi lại chi tiết mức độ của 3 loại khí chính – carbon dioxide, nitơ oxit và metan – có nồng độ gia tăng lớn nhất trong một năm trong số 40 năm và xác định hoạt động của con người là một trong những động lực chính của biến đổi khí hậu.

Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. (Ảnh: UN)

Tuy nhiên, bất chấp tất cả các bằng chứng về nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine gây ra bằng cách mở lại các nhà máy điện cũ và tìm kiếm các nhà cung cấp dầu khí mới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã phê phán phản ứng của họ, gọi đó là “ảo tưởng”, tại một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 6. Ông cho rằng nếu các quốc gia phát triển này đã đầu tư vào năng lượng tái tạo trong quá khứ thì họ sẽ tránh được sự biến động giá trên thị trường nhiên liệu hóa thạch.

Tại một sự kiện về năng lượng ở Washington cùng tháng đó, ông Guterres đã so sánh hoạt động của ngành nhiên liệu hóa thạch với hoạt động của các công ty thuốc lá lớn vào giữa thế kỷ 20. “Giống như lợi ích của thuốc lá, lợi ích của nhiên liệu hóa thạch (…) không được trốn chạy khỏi chịu trách nhiệm” – ông nêu rõ.

Môi trường trong sạch và lành mạnh là một quyền con người phổ quát

Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 28/7, đã thông qua một nghị quyết lịch sử tuyên bố rằng việc tiếp cận với một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là quyền chung của con người. Nghị quyết, dựa trên một văn bản tương tự được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua hồi năm ngoái, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đẩy mạnh nỗ lực để bảo đảm một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người.

Tiếp cận với môi trường trong sạch và lành mạnh là một quyền phổ quát của con người. (Ảnh: Khánh Linh)

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres hoan nghênh quyết định “lịch sử” này. Theo ông, sự phát triển mang tính bước ngoặt này chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên có thể đoàn kết trong cuộc chiến tập thể chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu lần thứ ba là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. “Nghị quyết sẽ góp phần giảm thiểu những bất công về môi trường, thu hẹp khoảng cách bảo vệ và trao quyền cho mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, bao gồm những người bảo vệ nhân quyền trong môi trường, trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người dân bản địa” – ông António Guterres nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Guterres cũng nêu rõ quyết định này sẽ giúp các quốc gia đẩy nhanh việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết về môi trường và nhân quyền của họ. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng việc thông qua nghị quyết “chỉ là một bước khởi đầu” và kêu gọi các quốc gia biến quyền mới được công nhận này “thành hiện thực cho mọi người, ở mọi nơi”.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cũng hoan nghênh quyết định của Đại hội đồng và nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký về hành động khẩn cấp để thực hiện quyết định này.

Tài trợ “tổn thất và thiệt hại” cho các nước đang phát triển

Bế mạc Hội nghị COP27 tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. (Ảnh: UN)

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11, với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay. Sau hơn hai tuần làm việc căng thẳng, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc, các nhà đàm phán tham dự Hội nghị COP27 cũng đã nhất trí thông qua thỏa thuận khí hậu của COP27 tại phiên bế mạc.

Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận chung tại COP27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, trong nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Việc đồng ý thành lập quỹ được ca ngợi như một “khoảnh khắc lịch sử” kể từ Thỏa thuận Paris giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất đạt được tại Hội nghị COP21 năm 2015. Thành công này đã phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên. Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm tới.

Tuy nhiên, có rất ít tiến bộ đạt được đối với các vấn đề quan trọng khác, đặc biệt là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và các cam kết rõ ràng hơn nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Bảo vệ nhiều hơn đa dạng sinh học hứa hẹn ở Montreal

Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 15 (Ảnh: AP)

Sau hai năm trì hoãn do đại dịch COVID-19, Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 15 cuối cùng đã diễn ra tại Montreal vào tháng 12 năm ngoái và kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu mang tính lịch sử nhằm bảo vệ thiên nhiên trong tương lai, trong đó bao gồm việc bảo vệ các vùng đất và đại dương trên thế giới và hỗ trợ tài chính quan trọng đối với các nước đang phát triển nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Phần quan trọng nhất của thỏa thuận là cam kết bảo vệ 30% diện tích đất và nước, đánh dấu sự quan trọng đối với đa dạng sinh học đến năm 2030. Hiện tại, cam kết duy trì bảo vệ 17% diện tích đất liền và 10% diện tích biển cần được bảo vệ. Ông Inger Andersen, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mô tả kết quả này là “bước đầu tiên trong việc thiết lập lại mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên”.

Liên hợp quốc cho biết 3/4 diện tích đất đai trên thế giới đã bị thay đổi do tác động từ các hoạt động của con người. Vì vậy, một triệu loài động thực vật có thể phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này. Biến đổi khí hậu gây ra ô nhiêm môi trường và cản trở đa dạng sinh học trên khắp thế giới. Trong năm 2019, thống kê cho thấy khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong vòng nhiều thập kỷ tới – ước tính tỷ lệ mất mát cao gấp 1.000 lần so với dự kiến.

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận mang tên Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal với 23 mục tiêu mà các quốc gia phải đạt được trong thập kỷ này được giới khoa học và truyền thông đánh giá là nỗ lực lớn nhất từ trước tới nay nhằm bảo vệ đại dương và môi trường thiên nhiên trên Trái đất và có thể là cơ hội cuối cùng của loài người nhằm đảo ngược sự suy tàn của thiên nhiên. Theo các chuyên gia, thỏa thuận là điểm khởi đầu, nếu được thực hiện, sẽ tạo ra sự bảo vệ vững chắc hơn cho đa dạng sinh học toàn cầu so với bất kỳ văn bản nào trước đó, mặc dù chưa đạt đến mức để trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Trong khi đó, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường so sánh thỏa thuận này mang tính bước ngoặt như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm khống chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Không chỉ năm 2023 mà nhiều năm sắp tới, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ vẫn cảm nhận được những thảm họa khí hậu mới đến, những nạn nhân mới sẽ phải hứng chịu và những viễn cảnh đáng báo động hơn bao giờ hết. Và thách thức lại tiếp tục được đặt ra để thế giới chuyển từ những cam kết đoàn kết toàn cầu đạt được trong năm 2022 thành hành động cụ thể, bởi nếu không thì “những thỏa thuận lịch sử” sẽ vẫn chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi và con người, nhất là các cộng đồng dễ bị tổn thương, sẽ tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.