Chi phí khí hậu thách thức các quốc gia vào năm 2023

Sau một năm 2022 ghi nhận nhiều trận thiên tai như lũ lụt, bão và hạn hán liên quan đến khí hậu, chính phủ và các công ty buộc phải xem xét kỹ hơn các rủi ro tài chính và trách nhiệm pháp lý vào năm 2023 tới đây.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc ở Ai Cập, nơi các quốc gia đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt khi thành lập một quỹ giúp các nước nghèo đối phó với thảm họa do khí hậu gây ra.

Sông băng trên núi ở dãy núi Alps của Ý. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán COP27 của Ai Cập đã làm rất ít để giải quyết được nguyên nhân của những thảm họa đó – mức độ khí nhà kính ngày càng tăng trong khí quyển.

Tiến độ chậm chạp đó đã khiến các quốc gia dễ bị tổn thương quyết tâm phê duyệt quỹ Tổn thất và Thiệt hại.

Các công ty bảo hiểm đang cảm thấy thấm đòn khi năm 2022 xảy ra ba trong số những thảm họa tốn kém nhất trong thập kỷ – trận lũ lụt “đáng sợ” gây thiệt hại 40 tỷ đô la cho Pakistan, một loạt đợt nắng nóng mùa hè chết người gây ra tổng thiệt hại hơn 10 tỷ đô la cho châu Âu và Bão Ian xé nát Florida và Nam Carolina với chi phí 100 tỷ đô la, theo công ty mô hình hóa rủi ro RMS.

Các công ty và nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với áp lực mà biến đổi khí hậu tác động đối với chuỗi cung ứng và hoạt động của họ. Các phòng xử án sẽ chứng kiến nhiều vụ án khí hậu, buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về khí thải hoặc các hành vi lừa đảo của họ.

Vào cuối năm, các quốc gia sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc – COP28 tại Dubai, UAE.

Tại đó, các quốc gia và các công ty sẽ chịu thêm áp lực để đáp ứng mục tiêu khí thải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 và bằng không vào năm 2050 – con đường duy nhất để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Mai Anh (Theo Reuters)