Tăng cường bảo vệ chim hoang dã, di cư tại Thừa Thiên – Huế

Ngày 15/12, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thông qua dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức hội nghị “Tăng cường thực thi các giải pháp để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư”.

Hội nghị nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp đa ngành trong công tác ngăn chặn, chấm dứt nạn săn bắt tận diệt, phá huỷ sinh cảnh các loài chim hoang dã và di cư theo tinh thần Chỉ thị 04/CT-TTg của ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tỉnh có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua với áp lực từ nhiều phía trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép mà tài nguyên rừng, động vật và chim hoang dã bị suy giảm đáng kể, nguy cơ tuyệt chủng. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị ngày 9/1/2020 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời. Mới đây ngày 4/10/2022, UBND tỉnh cũng ban hành công văn về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

“Theo khảo sát nhanh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện vào tháng 10/2022, toàn bộ gần 30 cơ sở có hoạt động nuôi nhốt và kinh doanh chim trên địa bàn đều không có giấy phép kinh doanh và không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của các loài chim đang bị nuôi nhốt, kinh doanh. Phần lớn khách hàng của cơ sở là những người nuôi chim cảnh/chim hót để giải trí tại nhà. Hành động trên diễn ra một phần do người dân chưa nhận thức rõ về nguy cơ liên quan đến pháp luật hay dịch bệnh từ chim hoang dã, cũng như vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên. Vì thế, bảo vệ các loài động vật và chim hoang dã đang ngày càng trở nên cấp thiết”, ông Tuấn nói.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế phát biểu

Hội nghị đã được nghe nhiều diễn văn, tham luận, trình bày của các đại biểu về quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; giải pháp, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền vận động, ký cam kết, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi về săn, bắt, bẫy, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các động vật hoang dã, chim trời, chim di cư, chim cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế…

Đại diện UBND các xã, phường, lãnh đạo cấp huyện thị và các cơ quan, sở, ban ngành cũng đã nêu lên những ý kiến, bất cập, khó khăn, giải pháp… về bảo vệ động vật hoang dã để toàn thể hội nghị cùng thảo luận.

Lực lượng chức năng Thừa Thiên – Huế tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim trời

Kết thúc hội nghị, các bên tham dự đã đạt được hiểu biết chung về nhiệm vụ, giải pháp, vai trò của các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều giải pháp phù hợp được trao đổi và nhận được sự đồng thuận cao tại hội nghị như tiếp tục tổ chức các diễn đàn nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; mỗi địa bàn cấp huyện nên thành lập 1 tổ công tác để phối hợp tổ chức ký cam kết và tổ chức kiểm tra bắt giữ xử lý khi có thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm; Hạt Kiểm lâm tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết và kiểm tra bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh…

“Việc bảo tồn các khu bảo tồn và sinh cảnh loài gắn với việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh “xanh” cho Thừa Thiên – Huế. Căn cứ vào những giải pháp được thảo luận hôm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành những văn bản chỉ đạo thực thi các giải pháp bảo vệ các loài động vật và chim hoang dã trên địa bàn”, ông Lê Ngọc Tuấn kết luận.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về động vật quý hiếm

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương đã tổ chức 36 đợt ra quân truy quét nạn săn bẫy chim trời, tháo gỡ và thu gom hơn 2.200 cò giã, 16.000 que dính nhựa, thả về tự nhiên hơn 280 loài chim. Về xử lý mua bán chim hoang dã, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 19 triệu đồng, tịch thu 400 cá thể và thả về môi trường tự nhiên 374  cá thể.

WWF đang hợp tác với Bộ NN&PTNT, chính quyền các tỉnh và các đối tác khác triển khai Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ. Hợp phần này hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những khu rừng có giá trị bảo tồn cao tại Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng và vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương