47.000 động vật sống được bán ở chợ Vũ Hán trước khi bùng dịch COVID-19

Nghiên cứu chỉ ra 47.000 động vật sống đã được bán tại các chợ Vũ Hán trong 2 năm rưỡi trước khi bùng dịch COVID-19.

Reuters đưa tin, một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí nguồn mở Scientific Reports cho biết, có tới 38 loài động vật đã được bày bán tại 17 khu chợ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 5.2017 đến tháng 11.2019, trong đó có 31 loài được bảo vệ. Tổng cộng có khoảng 47.000 con động vật sống được bán trong thời gian này, điều kiện vệ sinh kém tại các khu chợ đã làm tăng nguy cơ về sức khỏe.

Những ca mắc COVID-19 sớm nhất có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, ban đầu được xác định là nơi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên truyền sang người.

Tuy nhiên, một số trường hợp lây nhiễm sớm cũng có mối liên hệ với các khu chợ khác ở Vũ Hán – nơi một chủng virus SARS-CoV-2 riêng biệt đã được phát hiện – làm tăng khả năng tình trạng lây lan đã xảy ra sớm hơn rất nhiều và có thể thông qua buôn bán động vật hoang dã.

Một nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Trung Quốc được công bố vào cuối tháng 3 cho biết, không có báo cáo xác minh nào về việc động vật có vú còn sống được bày bán tại chợ Hoa Nam vào năm 2019, mặc dù có bổ sung thêm rằng có bằng chứng cho thấy trước đó chúng đã từng được bày bán tại chợ này trong quá khứ.

Nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng, SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi, với hiện trường tự nhiên gần nhất được tìm thấy trong một hang động ở Vân Nam, Trung Quốc.

Nghiên cứu chung của WHO-Trung Quốc cho biết, nhiều khả năng virus xâm nhập vào người thông qua một loài trung gian, có thể là tê tê.

Theo bài báo mới của các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Anh và Canada, không có bằng chứng nào cho thấy dơi hoặc tê tê sống được bán ở Vũ Hán, nhưng chồn, lửng chó, sóc và cáo thì có rất nhiều.

Sau đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã ra tay trấn áp nạn buôn bán động vật hoang dã, đồng thời đóng cửa các khu chợ và cơ sở nuôi nhốt, mặc dù vẫn cho phép một số động vật được nuôi để lấy lông hoặc làm nguyên liệu thuốc cổ truyền của Trung Quốc.