Việt Nam – Campuchia ký kết hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Thỏa thuận hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Campuchia sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bên trái) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Dith Tina.

Ngày 8/11, trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Dith Tina.

Mục tiêu của Thỏa thuận là thiết lập khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với luật pháp và quy định của hai nước.

Các nội dung hợp tác bao gồm: Kiểm dịch động vật và thực vật; Trồng trọt và chăn nuôi; Ngư nghiệp, nuôi trồng và chế biển thủy sản; Thủy lợi và quản lý nguồn nước; Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; Lâm nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên; Khuyến nông, phát triển nông thôn và an ninh lương thực; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn; Thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nông nghiệp; Kết nối trong chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm thủy sản; Các chương trình/dự án hỗ trợ cho phát triển nông thôn bền vững; Tăng cường hợp tác trong/về những vấn đề đa phương; Các hoạt động hợp tác khác do hai Bên thoả thuận cụ thể.

Bản thỏa thuận này sẽ có hiệu lực với thời hạn 5 năm, sau đó Thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn trong thời hạn 5 năm tiếp theo, trừ khi Thỏa thuận được kết thúc theo yêu cầu của một trong hai bên bằng hình thức văn bản qua kênh ngoại giao trong thời gian ít nhất 6 tháng trước thời điểm kết thúc, trong đó giải thích lý do mong muốn kết thúc Thỏa thuận hợp tác này.

Việc kết thúc Thỏa thuận này (các điều khoản và các điều khoản của các thỏa thuận riêng) sẽ không ảnh hưởng đến việc hoàn thành những nghĩa vụ hoặc chương trình/dự án được thực hiện theo quy định trước khi kết thúc Thỏa thuận, trừ khi các bên có ý kiến thống nhất bằng văn bản có hiệu lực khác.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 9/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Campuchia ước đạt hơn 2,77 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó: xuất khẩu đạt 409 triệu USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021), nhập khẩu đạt hơn 2,3 tỷ USD (giảm 17% so với cùng kỳ 2021). Các mặt hàng nông sản nhập khẩu chủ yếu là hạt điều và cao su làm nguyên vật liệu chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp hai nước hợp tác chủ yếu trong một số lĩnh vực như: kiểm dịch động thực vật; thương mại gỗ hợp pháp; kiểm soát buôn bán gỗ và động vật hoang dã; hợp tác IUU trên biển; hỗ trợ người gốc Việt ở Biển Hồ và hợp tác quản lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn biên giới hai nước.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Campuchia vẫn còn một số khó khăn như cho đến nay, Việt Nam và Campuchia chưa có văn bản ký kết về quy chế tài chính về quản lý sử dụng vốn viện trợ hoặc các văn bản hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các chương trình/dự án viện trợ cho Campuchia.

Việc phối hợp giữa các đơn vị của Bộ NN-PTNT với các cơ quan/đơn vị tại Campuchia vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, một phần do khó khăn chung.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, nông-lâm-ngư nghiệp, thông tin và truyền thông, tài chính – ngân hàng, văn hoá, du lịch, giao lưu nhân dân, thể thao…

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và mong muốn phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia, hoà nhập và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của sở tại, góp phần gắn kết và thắt chặt quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc.