Lệnh cấm buôn bán gấu Bắc cực không được chấp thuận

ThienNhien.Net – Một cuộc họp của các chính phủ trên thế giới về động vật hoang dã đã khước từ lệnh cấm buôn bán gấu Bắc cực quy mô quốc tế, bất chấp việc ngày càng có nhiều lo ngại cho loài động vật ăn thịt trên cạn lớn nhất thế giới này.

Một đề xuất của Mỹ nhằm đưa thêm loài gấu sống ở vùng cực vào Phụ lục I của Công ước Quốc tế về Buôn bán các giống loài đang bị đe dọa (CITES) đã bị bác với tỷ lệ 42 phiếu chống và 38 phiếu thuận, với 46 phiếu thắng trong hội nghị với nhiều nước tham dự tại Bangkok.

Gấu trắng (Ảnh: AP)
Gấu trắng (Ảnh: AP)

Gấu Bắc cực hiện đang nằm trong Phụ lục II của CITES, có nghĩa việc buôn bán loài động vật này trên quy mô quốc tế bị kiểm soát chặt. Nhưng Mỹ cùng Canada, Nga, Đan Mạch và NaUy, những nơi đang là nhà của 20.000 – 25.000 con gấu trắng vùng cực của thế giới, đã muốn cấm toàn bộ hoạt động buôn bán loài động vật này.

“Gấu Bắc cực đang đối diện với một tương lai ác nghiệt và ngày hôm nay chỉ đưa tới thêm nhiều tin xấu mới. Việc tiếp tục săn bắn loài gấu phục vụ hoạt động buôn bán quốc tế không hề mang tính bền vững,” Dan Ashe, giám đốc Cơ quan dịch vụ ngư nghiệp và động vật hoang dã Mỹ nói.

Đề xuất của Mỹ, vốn cần sự ủng hộ của đa số các chính quyền để được thông qua, có thể sẽ được xem xét lại tại phiên họp toàn thể của CITES với 178 thành viên. Một nỗ lực cấm tương tự từng được triển khai tại hội nghị CITES gần đây diễn ra vào năm 2010 nhưng không thành công.

Khoảng một nửa trong số gần 800 con gấu Bắc cực bị giết mỗi năm đã được đem bán trên thị trường buôn bán quốc tế. Theo các chuyên gia, phần lớn chúng sống hoang dã ở Canada.

Người ta săn tìm chúng để lấy các bộ phận cơ thể, đặc biệt là bộ da và lông. Hoạt động này diễn ra ráo riết hơn ở Nga.

Gấu Bắc cực thường được xem là loài động vật ở tuyến đầu của hiện tượng Trái đất ấm lên và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng tan băng ở các vùng cực. Các cuộc tranh luận của CITES tập trung vào các mối đe dọa mới nhằm vào các loài đã đề cập tới trong danh sách được buôn bán quốc tế của công ước.

Nhưng cả CITES lẫn một số tổ chức bảo tồn lớn như Traffic và WWF đều không ủng hộ đề xuất của Mỹ, nói rằng việc mất môi trường sống từ sự thay đổi khí hậu hiện vẫn là mối đe dọa lớn nhất nhằm vào gấu vùng cực.

Canada, nước có lượng gấu vùng cực lớn nhất, đã phản đối lệnh cấm. Nước này viện lý do cần phải bảo tồn truyền thống của người Inuit – một tộc người thổ dân thiểu số thường sống ở phía Bắc đất nước.