Giá trị kinh tế của vùng bờ biển Việt Nam

ThienNhien.Net – Vùng bờ biển là mảng không gian nằm chuyển tiếp giữa lục địa và biển, luôn chịu tác động tương tác giữa quá trình lục địa chủ yếu là sông và sóng, dòng chảy, thủy triều của biển; hệ thống tự nhiên và hệ nhân văn; các ngành và những người sử dụng tài nguyên; cộng đồng địa phương với các thành phần kinh tế. Vì vậy, vùng bờ còn được gọi là đới tương tác và phát triển thông qua các mối liên kết sinh thái chặt chẽ.

Các dạng tài nguyên vùng bờ biển được ví như “kho bất động sản lớn” đối với đất nước, trong đó các hệ sinh thái còn là nguồn vốn thiên nhiên quý giá, là yếu tố hạ tầng cơ sở quan trọng ở vùng bờ và đối với phát triển bền vững vùng bờ biển.

Tiềm năng tài nguyên vùng bờ biển Việt Nam rất đáng kể, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đến nay đã phát hiện được khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng.

Dọc ven biển có các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố quý hiếm như titan (sản lượng khai thác 220.000 tấn/năm), ziacon và xeri (1.500 tấn/năm) và 60.000 ha đồng muối. Gần đây còn phát hiện thêm một số mỏ cát dưới đáy biển ven bờ với trữ lượng trên 100 tỷ tấn. Cát thủy tinh nổi tiếng là mỏ Vân Hải trữ lượng 7 tỷ tấn, Vĩnh Thực 20.000 tấn và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển ven bờ Quảng Ninh gần 9 tỷ tấn.

Ven biển nước ta cũng có hơn 20 hệ sinh thái, trong đó có 3 hệ sinh thái đặc trưng là rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển, với khoảng 800.000 ha bãi triều và các vũng vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng các loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra cần phải kể đến trên 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có những cảng trung chuyển quốc tế. Nhiều đảo đủ điều kiện xây dựng khu hậu cần cho đánh bắt khơi xa. Hơn 125 bãi biển lớn nhỏ có cảnh quan đẹp, 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển.

Ảnh minh họa: Nguyễn Việt Dũng/PanNature
Ảnh minh họa: Nguyễn Việt Dũng/PanNature

Hiện nay, men theo chiều dài vùng bờ biển có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc-Trung-Nam, gần 30 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung; hơn 80 cảng biển lớn nhỏ với tổng năng lực hàng hóa thông qua gần 100 triệu tấn/năm. Ngành du lịch biển hàng năm thu hút khoảng gần 15 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm. Riêng hoạt động khai thác dầu khí đang duy trì tại 6 mỏ ở thềm lục địa phía Nam .

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 80% lượng cá đánh bắt hàng năm là vùng biển nông gần bờ (từ 50m nước sâu trở vào), khoảng 90% sản lượng tôm nuôi từ vùng nước lợ ven biển. Qua tính toán, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam trong các năm 2000-2005 bình quân đạt 30% GDP. Các ngành kinh tế liên quan trực tiếp đến khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy sản, thông tin liên lạc… đã có những bước phát triển quan trọng nhưng quy mô còn nhỏ bé, chỉ mới chiếm khoảng 2% của kinh tế biển và 0,4% trên tổng GDP cả nước.

Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu nước ta đã hình thành được 15 khu kinh tế ven biển, là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển.

Hiện tại có 13/28 vườn quốc gia, 22/55 khu bảo tồn thiên nhiên, 17/34 khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường nằm ở vùng ven biển và hải đảo ven bờ. Các khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận nằm ở vùng bờ biển, tiểu biểu như rừng ngập mặn Cần Giờ, vùng quần đảo Cát Bà, vùng cửa sông Hồng và sông Cửu Long… Quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển được Chính phủ phê duyệt năm 2010 có đến 14 khu nằm ở vùng bờ. Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, năm 2003 Vịnh Nha Trang và đến năm 2009 Vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh đẹp của thế giới.

Ngoài ra, các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là Khu phố cổ Hội An, Khu di tích cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và động Phong Nha đều nằm ở vùng ven biển. Du lịch lặn bắt đầu phát triển ở Nha Trang dựa trên cơ sở khai thác các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái vùng bờ.

Tuy vậy, sự phát triển kinh tế-xã hội ở vùng bờ biển cũng đã và đang tạo sức ép rất lớn đến hoạt động bảo tồn, cũng như việc bảo vệ tài sản và nguồn vốn tự nhiên từ các hệ sinh thái của toàn vùng. Những hoạt động như vậy nằm ngoài sự kiểm soát của cộng đồng dễ bị ảnh hưởng tại đây, do đó cần sớm có các chính sách quản lý nhà nước mang tính liên ngành đối với vùng bờ biển.