Sri Lanka từng có nhiều đá quý nhưng nay chẳng còn gì

Người dân Sri Lanka đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất khi nền kinh tế sụp đổ. Họ không có đủ lương thực, không có nhiên liệu để nấu và đi lại, cũng không có cả việc làm.

Trước khi nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ, dưới cái nóng như thiêu đốt, ông Nazir – 50 tuổi – kéo xe chất đầy những cuộn vải, dừa và bao tỏi qua những con phố hẹp của chợ Pettah tại thủ đô Colombo.

Giờ đây, đội mũ lưỡi trai đen, mặc áo phông và quần tây xám, ông Nazir ngồi nhàn nhã cùng hàng chục xe kéo trống, nghe bài phát biểu trên điện thoại di động.

Ông tăng âm lượng và chỉ vào màn hình, nói: “Aragalaya!”. Ông đang đề cập đến cuộc biểu tình của người Sri Lanka lật đổ cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào tuần trước.

Bình thường, ông Nazir từng kiếm được số tiền tương đương 8 USD, đủ để nuôi sống gia đình 6 người. “Bây giờ, công việc kinh doanh của tôi đã ‘chết’”, ông nói. Nếu hôm nay ông không có thêm việc, ông sẽ trở về nhà mà không có nổi một USD trong túi.

Nhiều người biểu tình đã đổ lỗi cho ông Gotabaya Rajapaksa khi nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ. Cựu tổng thống đã bay đến Singapore, sau khi rời khỏi đất nước trên chiếc máy bay quân sự hạ cánh ở Maldives nhằm chạy trốn khỏi làn sóng biểu tình làm rung chuyển đất nước.

Người dân giận dữ khi cựu tổng thống chấp nhận vay nặng lãi để xây dựng các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn, đồng thời hoạch định những chính sách “kỳ lạ”, như lệnh cấm nhập khẩu phân bón, theo Financial Times.

Việc quản lý nền kinh tế lỏng lẻo, cộng thêm sự sụt giảm doanh thu du lịch do đại dịch Covid-19 và chiến sự Ukraine khiến Sri Lanka vỡ nợ, trong khi đồng tiền của nước này lao dốc. Số nợ của Sri Lanka hiện ở mức 51 tỷ USD, hơn một nửa trong số đó là nợ các bên cho vay song phương và đa phương, bao gồm cả Trung Quốc.

“Tôi chỉ mong mỏi ăn đủ 3 bữa một ngày”

Suy thoái kinh tế đã gây ra những hậu quả tàn khốc. “Gia đình tôi phải bỏ bữa”, ông Nazir nói. “Vào bữa tối, chúng tôi chia nhau những miếng bánh mì với sốt sambal dừa. Tôi dùng củi để đun nấu vì không có nhiên liệu và dầu hỏa”.

Những câu chuyện như ông Nazir không phải là hiếm gặp nếu đi khắp chợ Pettah. Đây từng được mệnh danh là mê cung với hàng loạt cửa hàng quần áo và quầy hàng bán mọi thứ, từ đồ điện tử, nước rửa bát đến gia vị và cà phê.

Thế nhưng, hình ảnh những con phố trống trải xung quanh khu chợ quan trọng nhất quốc gia, nằm ngay sau cảng Colombo, là dấu hiệu cho thấy một Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng. Nơi đây đã bị vùi dập bởi giá cả tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói ngày càng gia tăng.

Ông Niyas – lao động ở chợ Pettah – hy vọng lãnh đạo mới sẽ giúp người dân Sri Lanka có đủ 3 bữa ăn mỗi ngày. (Ảnh: Financial Times)

Do dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, quốc gia 22 triệu dân này hết tiền để nhập khẩu nhiên liệu. Hình ảnh người dân xếp hàng dài cả km ở các trạm xăng dầu không khó bắt gặp. Tình trạng thiếu nhiên liệu đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp, trong khi buộc trường học, văn phòng và công ty phải đóng cửa.

Tại khu chợ, MT Niyas – 55 tuổi – uống cốc cà phê thứ hai trong ngày tại Lucky Cool Spot – quán phục vụ người lao động với bánh ngọt, đồ uống nóng và thuốc lá.

Ông Niyas cho biết hiện tại, ông chỉ kiếm được một nửa thu nhập hàng ngày từ công việc vác bao tải khi xe tải ngừng hoạt động, trong khi giá vé xe buýt tăng gấp đôi.

“Tôi đã làm việc ở đây từ năm 1981. Đây là điều tồi tệ nhất từng xảy ra”, ông Niyas nói. “Thật vui khi cựu tổng thống đã từ chức. Tất cả những gì chúng tôi muốn là dù ai thay thế vị trí của ông ấy, thì chúng tôi có thể ăn ba bữa một ngày. Chuyện đó thì có gì mà khó chứ!”.

Anh Nisham, 26 tuổi, chia sẻ giữa lúc dọn bàn cho khách, trả tiền lẻ và rót trà tươi: “Hồi trước, công nhân tới đây tận 10 lần trong một ngày để uống trà hoặc trò chuyện. Bây giờ, họ chỉ ghé 2 lần/ngày”.

Anh kể ra một số mặt hàng tăng giá “kinh hoàng” trong quý vừa qua: Giá sữa bột tăng gấp 3, trong khi đường, thậm chí cả chè – những mặt hàng Sri Lanka xuất khẩu – tăng gấp đôi.

Anh Nisham không che giấu cảm giác “thù ghét” nhà Rajapaksa – gia tộc đã thống trị nền chính trị Sri Lanka trong nhiều thập niên.

“Chúng tôi có nhiều tài nguyên thiên nhiên ở đất nước xinh đẹp này: Chè, cao su, cà phê, đá quý”, anh liệt kê một cách tự hào. “Chúng tôi đáng nhẽ phải tốt hơn thế này”.

“Mọi thứ đang tăng giá, trừ thu nhập”

Anh Nisham và các chủ cửa hàng khác phàn nàn các nhóm cho vay nặng lãi đã xuất hiện, sau khi các ngân hàng ngừng cho vay tiền.

Một phụ nữ 65 tuổi tên Aruna, bán lá cà ri, cho biết bà đã vay 10.000 SLRs (đơn vị tiền tệ của Sri Lanka) để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng bà phải trả số lãi 1.000 SLRs/ngày trong vòng 12 ngày.

Hàng dài xe ba bánh đợi mua xăng ở thủ đô Colombo hồi đầu tháng 7. (Ảnh: Reuters)

Người lao động vào ban ngày là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết 3 triệu người Sri Lanka đang nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp sau khi lạm phát lương thực đạt 80% vào tháng trước. Tổ chức này cho biết thêm gần 90% hộ gia đình bỏ bữa hoặc ăn uống thiếu chất để dự trữ thức ăn.

Afzal Fasehudeen, kỹ sư xây dựng đến Pettah, đã tích trữ tỏi tây và cà rốt. Anh hoàn toàn cho rằng người phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này là gia tộc Rajapaksa.

“Toàn bộ điều này bắt nguồn từ sự quản lý yếu kém và thiếu kế hoạch phù hợp. Thành viên gia tộc Rajapaksa bắt đầu các dự án xây dựng ở mọi nơi. Điều đó thật nực cười”, anh Fasehudeen nói.

Khi ngành nghề xây dựng đang chững lại, Fasehudeen nói rằng anh và nhiều người bạn tốt nghiệp đại học hai năm trước đang có ý định rời khỏi đất nước.

“Công ty của tôi có thể sớm phá sản. Tôi không muốn rời đi, nhưng nếu không có gì thay đổi trong vài tháng tới, tôi sẽ cố gắng tìm việc ở các quốc gia vùng Vịnh”, Fasehudeen nói. “Giá mọi thứ đang tăng lên – nhưng không phải thu nhập. Mọi người đang tức giận”.