Tuyên bố mới về giải cứu đại dương

Tại Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2022 vừa kết thúc ở Lisbon (Bồ Đào Nha), các chính phủ và nguyên thủ quốc gia đã thông qua một tuyên bố chính trị mới về giải cứu đại dương.

Hơn 6.000 đại biểu, bao gồm 24 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ và hơn 2.000 đại diện xã hội dân sự tham dự Hội nghị đã ủng hộ các hành động khẩn cấp và cụ thể để giải quyết khủng hoảng đại dương.

Tăng cường và giám sát thực hiện các cam kết mới

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, đại dương là nền tảng cho sự sống trên hành tinh và tương lai của chúng ta, đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015 và Hiệp ước Khí hậu Glasgow tháng 11/2021, nhằm giúp đảm bảo sức khỏe, năng suất, sử dụng bền vững và khả năng phục hồi của đại dương.

Tại Lisbon, các đại biểu tuyên bố cam kết ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm sức khỏe của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học (ĐDSH) của đại dương, cũng như bảo vệ và khôi phục khả năng phục hồi và tính toàn vẹn sinh thái của nó. Họ cũng kêu gọi một khuôn khổ ĐDSH toàn cầu sau năm 2020 đầy tham vọng, cân bằng, thiết thực, hiệu quả, mạnh mẽ và có thể chuyển đổi.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đại dương là ô nhiễm do con người tạo ra.
Môi trường biển phục hồi và lành mạnh là nền tảng của việc điều hòa khí hậu và phát triển bền vững, với tiềm năng sản xuất lương thực và năng lượng cho hàng tỷ người.

Tại Hội nghị, hơn 150 quốc gia thành viên đã cam kết tự nguyện bảo tồn hoặc bảo vệ ít nhất 30% đại dương toàn cầu trong các Khu bảo tồn biển và các biện pháp bảo tồn hiệu quả khác dựa trên khu vực vào năm 2030.

Phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị, ông Miguel de Serpa Soares – Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề pháp lý cho biết, ông rất ấn tượng trước những cam kết mới mà các quốc gia đã đưa ra và phải tăng tốc và giám sát thực hiện các cam kết. Các cam kết này bao gồm: bảo vệ 30% các vùng biển quốc gia vào năm 2030; đạt được độ trung tính carbon vào năm 2040; giảm ô nhiễm nhựa; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; phân bổ hàng tỷ đô la để nghiên cứu về axit hóa đại dương, các dự án chống chịu với khí hậu và giám sát, kiểm soát.

Tìm kiếm giải pháp tài chính sáng tạo vì đại dương bền vững

Tài chính là một trọng tâm khác của tuyên bố tại Hội nghị Lisbon. Theo đó, cần tìm ra giải pháp tài chính sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển đổi, hướng tới các nền kinh tế bền vững dựa vào đại dương và mở rộng quy mô các giải pháp dựa vào thiên nhiên, cũng như các phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để hỗ trợ khả năng phục hồi và bảo tồn vùng ven biển các hệ sinh thái.

Ông Peter Thomson, đặc phái viên về Đại dương của Tổng Thư ký LHQ tuyên bố, Hội nghị Đại dương của LHQ đã chứng minh nền kinh tế xanh hiện là một phần quan trọng của an ninh nhân loại trong tương lai và ông kêu gọi thêm nguồn lực tài chính cho nền kinh tế này.

Đồng thời, ông kêu gọi những người trẻ tuổi tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận về đại dương trong tương lai.

Ông Serpa Soares cho rằng, Hội nghị Đại dương của LHQ không phải là sự kiện trọng tâm duy nhất cho các hoạt động đại dương trong năm nay. Trong vài tháng tới, LHQ sẽ tổ chức một số sự kiện quan trọng mang lại nhiều cơ hội để thể hiện các cam kết và tham vọng nhằm lật ngược tình thế, có lợi cho sự bền vững của đại dương.

Sau sự kiện ở Lisbon, con đường cứu lấy đại dương sẽ tiếp tục thông qua Hội nghị liên Chính phủ về hiệp ước ĐDSH biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng), các cuộc đàm phán Khung ĐDSH toàn cầu sau năm 2020 và các cuộc đàm phán về tăng cường tài chính và các hành động thích ứng với khí hậu tại COP27 ở Ai Cập.

Trao quyền cho thanh niên, phụ nữ và người dân bản địa

Nhận thức được vai trò quan trọng của kiến thức bản địa, truyền thống và địa phương, sự đổi mới và thực hành do người bản địa nắm giữ, cũng như vai trò của khoa học xã hội trong việc lập kế hoạch, ra quyết định và thực hiện, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng địa phương.

Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, vì sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của họ là chìa khóa để tiến tới một nền kinh tế bền vững dựa vào đại dương và đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 14 (SDG 14) về “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, vùng biển và các nguồn tài nguyên biển để phát triển bền vững.

Tuyên bố trên được đưa ra tại Hội nghị nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho thanh niên để giúp họ hiểu nhu cầu đóng góp vào sức khỏe của đại dương, bao gồm cả trong quá trình ra quyết định, thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ giáo dục chất lượng và học tập suốt đời để xóa mù chữ về đại dương.

Hội nghị kêu gọi các bên liên quan khẩn trương thực hiện tham vọng và hành động phối hợp để đẩy nhanh việc thực hiện nhằm đạt được SDG 14, đồng thời kết luận rằng, khôi phục sự hài hòa với thiên nhiên thông qua một đại dương trong lành là điều rất quan trọng đối với hành tinh.