Năm 2030 con người sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng

Đến những năm 2030, rừng mưa nhiệt đới Amazon sẽ mất đến 75% diện tích che phủ so với hiện tại.

Theo ước tính, dù diện tích phủ xanh còn lại vẫn còn tương đối rộng, nhưng rừng Amazon đã bị đẩy đến ngưỡng giới hạn của nó. Hiện tượng rừng chết sẽ xảy ra.

Với diện tích ít ỏi, rừng không tài nào sản sinh đủ lượng hơi nước để hình thành những đám mây tạo mưa, dẫn đến chuyện những vạt rừng bị tổn hại nhất sẽ dần biến đổi thành rừng khô theo mùa, sau đó trở thành thảo nguyên rộng lớn. Cứ như vậy, rừng càng chết héo thì lượng mưa càng ít đi. Lượng mưa càng ít đi thì diện tích rừng chết héo lại càng nhiều thêm.

Hệ lụy, quá trình khô kiệt trên toàn bộ lưu vực Amazon sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh kèm theo sức tàn phá kinh hoàng, kéo theo sự suy giảm thê thảm của đa dạng sinh học ở đây.

Rừng nhiệt đới Amazon là nơi cư trú của khoảng 10% số lượng loài sinh vật đã được biết đến trên thế giới, nên các vụ tuyệt chủng cục bộ tại đây có thể kích hoạt “hiệu ứng domino tuyệt chủng” lên toàn bộ hệ sinh thái. Tất cả quần thể hoang dã đều chịu ảnh hưởng nặng nề, các cá thể trong quần thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi kiếm ăn và tìm bạn tình.

Cháy rừng ở Amazon. Ảnh: Howstuffworks

Nhiều loài động thực vật với tiềm năng có thể chế biến thành các loại thuốc, thực phẩm mới cùng nhiều ứng dụng khác trong công nghiệp sẽ biến mất trước khi con người kịp biết đến sự tồn tại của chúng. Nhưng cái giá mà ta phải trả còn sâu sắc và trực diện hơn thế nhiều.

Chúng ta sẽ mất đi một loạt dịch vụ môi trường mà rừng Amazon trước giờ vẫn chu cấp cho con người. Khi các thân cây chết đi, lượng đất rừng từng được neo giữ trong các bộ rễ của chúng bị cuốn phăng xuống sông dẫn tới lũ lụt xảy ra với mật độ dày đặc hơn. 30 triệu người, gồm khoảng 3 triệu thổ dân, có thể bị buộc rời khỏi lưu vực sông.

Sự biến đổi của độ ẩm không khí cũng có khả năng dẫn đến suy giảm lượng mưa trên phần lớn khu vực Nam Mỹ, gây tình trạng thiếu hụt nước tại các siêu đô thị. Mỉa mai thay, hạn hán sẽ xảy ra ngay trên chính các mảnh đất nông nghiệp được tạo ra bằng cách tàn phá rừng, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền sản xuất lương thực tại Brazil, Peru, Bolivia và Paraguay.

Trong suốt thế Holocen (một thế địa chất), dịch vụ môi trường quan trọng nhất mà rừng Amazon cung cấp cho con người chính là khả năng nhốt giữ hơn 100 tỷ tấn Cacbon trong các cánh rừng tại đây. Thế nhưng, số vụ cháy rừng trong mỗi mùa khô làm lượng Cacbon bị trả ngược lại vào không khí ngày một tăng.

Đồng thời, việc mất đi cây xanh làm cho khả năng quang hợp của các cánh rừng giảm sút, khiến cho lượng Cacbon được hấp thụ mỗi năm cũng suy giảm theo. Kết quả là bầu khí quyển phải nhận thêm khí Cacbonic, tốc độ ấm lên toàn cầu hiển nhiên theo đó tăng vọt.

Vào khoảng những năm 2030, ở nơi tận cùng Trái Đất, vùng biển Bắc Băng Dương được dự đoán sẽ lần đầu tiên trải qua mùa hè hoàn toàn không có băng, khiến diện tích mặt biển tại Bắc Cực mở rộng. Ngay cả những vùng băng biển lâu năm tạo bởi nhiều tầng băng dày xếp chồng lên nhau, được che chắn trong các vịnh hẹp cũng không thể đứng vững trước sự ấm lên của nền nhiệt. Chúng bắt đầu tan thành nước. Hệ quả, những rừng tảo vốn bám vào bề mặt bên dưới các tảng băng bị cuốn trôi vào đại dương, gây ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thức ăn Bắc Cực.

Ngoài ra, màu trắng của băng giúp phản xạ bức xạ Mặt Trời trở lại không gian, nên khi lượng băng trên Trái Đất bị tan dần qua từng năm, bề mặt hành tinh trở nên ít “trắng” hơn, dẫn đến sức phản chiếu ánh sáng giảm sút, đẩy tốc độ ấm lên toàn cầu tăng vọt. Bắc Cực lúc này đã đánh mất khả năng làm mát hành tinh.

Nguồn: