COP27: Hợp tác giữa các nước để giải quyết vấn đề khí hậu

COP27 sẽ tập trung thảo luận việc cung cấp tài chính, thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu một cách bình đẳng khí thải và giải quyết các tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Việc chống biến đổi khí hậu là thông điệp quan trọng nhất của COP27. (Nguồn: TTXVN/Getty Images)

Ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27), ngày 31/10 đã nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển là yếu tố cần thiết và quan trọng để giúp các nước nghèo xử lý các vấn đề có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

Phát biểu của ông Mohieldin được đưa ra tại một cuộc họp báo trực tuyến về COP27 cùng với Đặc phái viên của Chủ tịch COP27, Đại sứ Wael Abu Elmagd, và nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại COP26 Nigel Topping.

Ông Mohieldin đã dẫn chứng rằng châu Phi hiện có khoảng 600 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các nguồn năng lượng.

Ông khẳng định nếu các nước phát triển không cung cấp cả hỗ trợ tài chính và công nghệ cần thiết cho các dự án năng lượng tái tạo ở châu Phi thì người dân lục địa này sẽ buộc phải sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường như nhiên liệu hóa thạch, do đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Mohieldin lưu ý việc chống biến đổi khí hậu là thông điệp quan trọng nhất của COP27.

Ông khẳng định COP27 sẽ tập trung thảo luận việc cung cấp tài chính, thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu một cách bình đẳng khí thải và giải quyết các tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông cho biết thêm 50 dự án về phát triển và khí hậu, kết quả của 5 sáng kiến bàn tròn khu vực do Ai Cập và Liên hợp quốc bảo trợ, sẽ được giới thiệu tại Hội nghị lần này.

Theo ông Mohieldin, những sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong cùng khu vực trong các kế hoạch phát triển và chống biến đổi khí hậu, bên cạnh việc đưa ra các ý tưởng về cơ chế tài trợ và thực hiện các dự án.

Về tài chính, ông cho rằng điều quan trọng là các nước phát triển phải thực hiện cam kết Copenhagen tài trợ hàng năm 100 tỷ USD cho chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Ngân hàng phát triển quốc gia (NDB) trong việc tham gia tài trợ các dự án và giảm thiểu rủi ro tài chính.

Ngoài ra, các ngân hàng này còn đóng góp bằng cách hợp tác với các chính phủ để điều chỉnh các chính sách theo hướng tăng cường tài chính công và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc tài trợ và thực hiện các dự án chống biến đổi khí hậu.