Hội nghị Thượng đỉnh Amazon: Bàn cách giữ “lá phổi xanh” của trái đất

Hội nghị Thượng đỉnh 8 quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon, vốn được ví là “lá phổi xanh” của trái đất đã diễn ra trong hai ngày (8 và 9-8 giờ địa phương) tại thành phố Belem, phía Bắc Brazil.

Lần đầu tiên sau 14 năm, các nhà lãnh đạo 8 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) mới nhóm họp để tìm ra điểm chung, cũng như giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon – hệ sinh thái quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Amazon tại thành phố Belem (Brazil).

Hội nghị thượng đỉnh lần này của tổ chức đã có 28 năm tồn tại, phát triển này cũng là sự cụ thể hóa cam kết của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh sự tham gia của 8 quốc gia thành viên có chung lưu vực sông Amazon là Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela, hội nghị còn có sự góp mặt các đại diện của Na Uy và Đức, những nước đóng góp lớn cho Quỹ Phát triển bền vững Amazon của Brazil, cũng như các đối tác từ khu vực rừng nhiệt đới quan trọng khác là Indonesia, Congo.

Hội nghị diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức, hứa hẹn sẽ giảm nạn phá rừng Amazon xuống con số 0 vào năm 2030 cũng như đưa ra một chính sách chung để bảo vệ rừng nhiệt đới.

Rừng nhiệt đới Amazon là một khu vực lớn, rộng gấp đôi Ấn Độ, trải dài trên 8 quốc gia và 1 vùng lãnh thổ. Amazon được ước tính chứa hơn 120 tỷ tấn carbon quan trọng đối với khí hậu, có khoảng 20% trữ lượng nước ngọt của thế giới và tự hào về sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc. Cùng với gần 50 triệu người, khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 400 tỷ cây thuộc 16.000 loài khác nhau, hơn 1.300 loài chim và hàng chục nghìn loài thực vật. Nhưng trong nửa thế kỷ qua, sự phát triển của chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ, khai thác mỏ, trồng đậu nành và thăm dò dầu mỏ đã tàn phá những vùng đất rộng lớn của khu vực, đẩy Amazon đứng trước nhiều mối đe dọa.

Theo mạng lưới khoa học MapBiomas, khoảng 17% diện tích rừng nhiệt đới (tương đương 750.000km2) đã bị phá hủy vào năm 2021 – một khu vực rộng gần bằng Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 3 lần diện tích của Vương quốc Anh. Nhà hóa học khí quyển Luciana Gatti của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil cho biết, nạn phá rừng dẫn đến nhiều khí nhà kính hơn trong khí quyển, lượng mưa giảm và nhiệt độ cao hơn. Nhà hóa học khí quyển Luciana Gatti nói với hãng tin AP: “Bằng cách phá rừng Amazon, chúng ta đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu”.

Trong quá khứ, các chính phủ đã xem Amazon như một khu vực thuộc địa và khai thác mà ít quan tâm đến tính bền vững hoặc quyền của người dân bản địa. Giờ đây, khi các nước đang tìm cách kiểm soát việc khai thác tài nguyên, vi phạm nhân quyền và tội phạm môi trường ở khu vực này, thì sự hợp tác xuyên biên giới là điều bắt buộc. Do đó, phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Tổng thống Lula da Silva đã tuyên bố sẽ đưa Amazon thoát khỏi hàng thế kỷ bạo lực, “cướp bóc” kinh tế và tàn phá môi trường và bước vào “giấc mơ Amazon mới”. Theo đó, Tổng thống Lula da Silva đã cam kết thúc đẩy một mô hình mới đầy tham vọng cho khu vực rừng nhiệt đới mà 60% trong số đó nằm ở Brazil. Cụ thể là bảo vệ môi trường đi kèm với hòa nhập xã hội, tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ.

Trong số các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của ACTO sau 14 năm là một thỏa thuận khả thi để ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030 và các nỗ lực chung để chống lại nạn khai thác trái phép tràn lan cũng như các nhóm tội phạm có tổ chức đang hoành hành khu vực rừng nhiệt đới. Một thông cáo cuối cùng, được gọi là “Tuyên bố Belem”, bao gồm các chiến lược hợp tác để chống phá rừng và tài trợ cho các sáng kiến phát triển bền vững, đồng thời thành lập một trung tâm thực thi pháp luật tại thành phố Manaus của Brazil để thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát khu vực cũng đã được bàn thảo. Tổng thống Lula da Silva cho biết ông hy vọng “Tuyên bố Belem” sẽ trở thành lời kêu gọi chung của các quốc gia khi họ tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên hợp quốc (COP28) do UAE đăng cai vào cuối năm nay.

Các nhà khoa học cho biết rừng nhiệt đới Amazon đang chịu sức ép ghê gớm trước việc phá rừng và nhiệt độ tăng mạnh trên toàn cầu. Nguy cơ biến rừng nhiệt đới Amazon thành thảo nguyên trong những thập kỷ tới đang hiện hữu ngày càng rõ. Bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn đang gây ra nhiều đợt nắng nóng, cháy rừng, bão lụt và hạn hán trên toàn cầu.