Cải cách thị trường carbon của EU

Các nhóm đại diện cho đa số nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu (EP) vừa nhất trí về nội dung thỏa thuận liên quan thị trường carbon của Liên minh châu Âu (EU), sau khi những đề xuất trước đó không được EP thông qua trong cuộc bỏ phiếu tuần trước. Nỗ lực mới được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt trong tiến trình cải cách thị trường carbon của khối.

Ảnh minh họa: Toàn cảnh nhà máy ThyssenKrupp Steel Europe ở Duisburg, Đức, ngày 7/1/2020. (Nguồn: REUTERS)

Sau khi bị bác vào tuần trước, những đề xuất cải cách thị trường carbon của EU sẽ một lần nữa trải qua cuộc bỏ phiếu tại EP, dự kiến vào ngày 22/6 tới. Nhằm mở lối để những đề xuất được thông qua trong cuộc bỏ phiếu sắp tới, hơn 400 nghị sĩ, chiếm quá bán trong tổng số 705 ghế tại EP, đã nỗ lực đàm phán và thống nhất một thỏa thuận mới.

Thỏa thuận mới khẳng định mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm 63% lượng khí thải trong các lĩnh vực chịu sự chi phối của thị trường carbon EU. Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng đặt thời hạn từ năm 2027 đến 2032 để EU loại bỏ dần chính sách miễn chi phí phát thải CO2 trong các ngành công nghiệp, đồng thời thống nhất chỉ dừng áp dụng chính sách trên khi EU triển khai thành công kế hoạch áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Nghị sĩ EP Mohammed Chahim (M.Cha-him) bày tỏ hy vọng, với những thay đổi nêu trên, thỏa thuận mới có thể “vượt ải” EP trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.

Thị trường carbon, còn gọi là thị trường mua bán quyền phát thải, hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn phải trả tiền để mua quyền phát thải, ngược lại nếu có mức phát thải thấp có thể thu được nguồn lợi tài chính. Nói cách khác, thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải. Thị trường carbon hiện được xem là một trong những chính sách hiệu quả giúp nhiều quốc gia trên thế giới chủ động giảm lượng khí thải hằng năm, góp phần hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.

Hình thành từ năm 2005, thị trường carbon của EU là thị trường mua bán quyền phát thải đầu tiên và lớn nhất thế giới. Với sự tham gia của tất cả các thành viên EU và 3 nước châu Âu khác, thị trường carbon EU giới hạn phát thải từ hơn 11.000 nhà máy sản xuất năng lượng, nhà máy sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sắt thép, xi-măng, gốm, giấy và ngành hàng không… Lượng phát thải trao đổi trên thị trường chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải của EU. Vì vậy, đây được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất của EU để ứng phó biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và hiện nay là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh EU đặt ra các mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu, yêu cầu cải tổ thị trường carbon càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Giới phân tích cho rằng, việc EP sớm thông qua những đề xuất về cải cách thị trường carbon có ý nghĩa quan trọng, giúp EU hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải so mức ghi nhận năm 1990.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh EU phải gánh chịu hậu quả ngày càng nặng nề do biến đổi khí hậu, nỗ lực tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường carbon càng cần được thúc đẩy. Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các đợt nắng nóng tại châu lục này là nguyên nhân gây ra 90% ca tử vong liên quan khí hậu trong giai đoạn 1980-2022, ước tính gây thiệt hại từ 27 đến 70 tỷ euro cho các nước trong giai đoạn 1980-2000. Trong 20 năm gần đây, mức thiệt hại còn cao hơn nhiều và được dự báo sẽ không dừng lại nếu các nước không mạnh tay cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Điều chỉnh thị trường carbon là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu. Sự ủng hộ của EP rất quan trọng, góp thêm động lực quan trọng cho EU trên hành trình bảo vệ hành tinh xanh.