Đồng Nai khó khăn trong công tác di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị

ThienNhien.Net – Tháng 3/2012, tỉnh Đồng Nai quyết định di dời gần 480 cơ sở sản xuất kinh doanh và chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư tập trung. Theo quyết định, sau 3 năm, việc di dời sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến cuối 2015, hầu hết các cơ sở vẫn sản xuất, kinh doanh ở vị trí cũ. Để gỡ khó, Đồng Nai gia hạn đến cuối năm 2016, tất cả các cơ sở phải ra khỏi khu đô thị, nơi đông dân cư. Năm 2016 qua đi, mục tiêu trên vẫn không đạt, tỉnh Đồng Nai tiếp tục gia hạn đến ngày 31/12/2017 sẽ hoàn thành di dời. Thời hạn đã có, nhưng do thiếu cơ chế hỗ trợ, chế tài không đủ mạnh nên mục tiêu này có thực hiện được hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ảnh minh họa: PanNature

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chủ trương đưa cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi ra khỏi khu đông dân cư mà tỉnh Đồng Nai đề ra là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, quyết định của tỉnh thiếu nghiên cứu thực tế, không đánh giá đúng thực trạng của các cơ sở.

Hầu hết các cơ sở trong diện di dời đều đã đi vào hoạt động hàng chục năm, nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi chuyển đi, một số trang thiết bị phải bỏ lại, nhà đầu tư phải mua đất, ngoài ra tình trạng lao động nghỉ việc sẽ diễn ra – doanh nghiệp đối diện hàng loạt khó khăn.

Trong quyết định của tỉnh Đồng Nai, toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh gốm sứ mỹ nghệ phải di dời đến Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa). Từ nhiều năm qua, 42 cơ sở phải di dời đã được cấp đất tại Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh, nhưng đến nay chỉ có 35% đơn vị tiến hành xây dựng nhà xưởng ở vị trí mới, các cơ sở còn lại vẫn hoạt động tại địa điểm cũ.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: Tỉnh Đồng Nai cũng đề ra chủ trương, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển vào Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh. Điển hình như hỗ trợ 60% tổng mức vốn đầu tư hạ tầng cho các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, diện tích đất được bố trí ở vị trí mới quá nhỏ.

Theo ông Vòng Khiềng, hiện doanh nghiệp sản xuất gốm sứ đã tính toán chi phí xây dựng nhà xưởng, mua trang thiết bị khi vào Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh. Cụ thể, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ phải bỏ kinh phí từ 10 – 80 tỷ đồng; doanh nghiệp lớn phải chi hơn 100 tỷ đồng.

Số vốn trên rất lớn, doanh nghiệp bán địa điểm cũ cũng không đủ, vay ngân hàng thì vướng tài sản thế chấp. Để nghề gốm Biên Hòa với lịch sử hơn 300 năm không bị tàn lụi, tiếp tục phát triển, ngành chức năng Đồng Nai cần đề ra cơ chế hỗ trợ vốn, giúp doanh nghiệp làm lại từ đầu.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Công ty cổ phần Môi trường Đồng Xanh (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) đã chọn Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Địa điểm đã có song quá trình di dời của doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng tại vị trí mới.

Theo đại diện doanh nghiệp, dù đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định nhưng các hộ dân có diện tích đất phải bàn giao cho doanh nghiệp vẫn cho rằng mức giá bồi thường thấp nên không nhường đất. Doanh nghiệp đã làm việc với các hộ dân, đồng ý hỗ trợ thêm từ 15 – 20% tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận.

Theo quyết định của tỉnh Đồng Nai, các cơ sở phải di dời được chia làm 4 nhóm. Đến thời điểm này, 42 doanh nghiệp gốm sứ mỹ nghệ (nhóm 1) nằm trong diện di dời vẫn đang hoạt động tại địa điểm cũ (có 15 doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh). Mới chỉ có 5 trong số 24 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô Báo cáo đánh giá tác động môi trường (nhóm 3) di dời.

Còn hơn 40% số cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô Bản cam kết bảo vệ môi trường (nhóm 4) chưa di dời. Toàn tỉnh có 85% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (nhóm 2) đã chuyển ra khỏi khu đô thị, khu đông dân cư, ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai nhận định: Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quyết định năm 2012 của tỉnh Đồng Nai đang chậm trễ so với kế hoạch ban đầu. Tình trạng này do nhiều đơn vị thiếu địa điểm để chuyển đến, theo quy định, cơ sở phải di dời vào hoạt động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, song các cụm công nghiệp ở Đồng Nai chậm được xây dựng.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời, UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chỉ đạo, văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp tìm địa điểm để các cơ sở di dời đến. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét sớm đầu tư một số cụm, khu công nghiệp chuyên cho các ngành nghề trong danh mục di dời, nhằm tạo thuận lợi, giúp doanh nghiệp sớm ổn định khi đến nơi mới, đảm bảo sự phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những đơn vị cố tình không di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị. Đồng Nai không loại trừ biện pháp đóng cửa đối với các cơ sở nếu hết thời hạn mà vẫn chưa di dời.