Một ngày ở Khu cứu hộ động vật hoang dã

Khu cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên) đang cứu hộ, nuôi dưỡng hơn 13 loài động vật hoang dã với hàng trăm cá thể. Có một số loài được nuôi sinh sản thành công và đang sinh trưởng tốt.

Một trong những dãy chuồng nuôi dưỡng động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát.

Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời vừa ló dạng, anh Hoàng Văn Hà- nhân viên phụ trách chăm sóc cứu hộ động vật- đem cám, trái cây, thịt sống ra cho các loài thú ăn. Những con rái cá đang bơi lội trong bồn nước, thấy anh Hà, chúng liền rời khỏi bể nước, chờ được ăn.

Những máng thức ăn được đặt cạnh hàng rào, mấy con rái cá lao vào ăn ngấu nghiến, sau đó chúng leo vào bồn nước tiếp tục đùa giỡn. Anh Hà cho biết, những con rái cá này do người dân nuôi nhốt trái phép giao nộp. Khi nhân viên ở đây tiếp nhận, có 1 con còn nhỏ bằng bắp tay và không biết săn bắt cá.

Nhân viên ở đây phải pha sữa trong bình, đút cho bú. Lớn lên, con rái cá này mới được tập ăn các loại cá và thịt tươi sống. Hiện có 1 cặp rái cá đang được nuôi dưỡng và trong quá trình phối giống cho sinh sản.

Anh Hà lại mang một rổ chôm chôm chín đến các chuồng đang nuôi nhốt loài vượn má vàng, khỉ đuôi lợn. Thấy có trái cây, mấy con khỉ, vượn nhào lộn và phát ra tiếng kêu mừng rỡ. Anh Hà cho biết, hai con khỉ đuôi lợn do đơn vị vận động người dân nuôi nhốt trái phép giao nộp. Vào những ngày cuối tuần, chủ của 2 con khỉ vẫn đến đây thăm nom, vui đùa với chúng.

Trong quá trình cho chúng ăn, anh Hà chăm chú quan sát kỹ từng động tác và biểu hiện để theo dõi sức khoẻ của chúng. “Mặc dù các loài động vật hoang dã có sức đề kháng rất tốt, ít khi bị bệnh, nhưng tôi vẫn phải thường xuyên quan sát để kịp thời phát hiện triệu chứng bất thường. Từ đó có thể đoán biết được tình trạng sức khoẻ của chúng để xử lý”, anh Hà nói.

Mèo rừn
Chim ó

Bên cạnh chuồng khỉ là cặp chuồng đang nuôi dưỡng 3 con vượn đen má vàng- loài động vật thuộc nhóm quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Trong đó, 1 con vượn đực của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát và 2 con vượn cái do Vườn quốc gia Cát Tiên trao tặng để phối giống, nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

Khu cứu hộ động vật hoang dã đang nuôi dưỡng 3 cá thể mèo rừng do lực lượng bảo vệ rừng thu giữ được. Có một cá thể mèo rừng do bị mắc chân vào bẫy thời gian khá lâu, nên khi tiếp nhận đưa về cứu hộ, chân con mèo này đã bị hoại tử, hư mất một bàn chân trước. Các nhân viên ở đây phải tích cực chữa trị, vết thương mới lành và con mèo đã đi đứng, chạy nhảy được.

Ngoài những động vật kể trên, hiện Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác quốc tế còn đang cứu hộ, nuôi dưỡng nhiều loài động vật quý hiếm khác, như chim ó, gà lôi hông tía, rùa vàng, trăn gấm, cá sấu, thỏ rừng, gà rừng v.v…

Đa số động vật này do nhân viên bảo vệ rừng tịch thu từ những người săn bắt trái phép động vật hoang dã trong Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Sau một thời gian nuôi dưỡng, cá thể nào khoẻ mạnh sẽ được thả về môi trường tự nhiên, cá thể nào không còn khả năng tìm kiếm thức ăn trong rừng sẽ được tiếp tục nuôi dưỡng.

Anh Hồ Đắc Long- Phó trưởng Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác quốc tế- đơn vị thực hiện nhiệm vụ cứu hộ động vật hoang dã của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát bộc bạch, bên cạnh việc nuôi cứu hộ động vật hoang dã, thời gian qua, Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác quốc tế còn làm phong phú thêm số loại động vật ở đây bằng cách mua về nuôi một số loại động vật khác, như chim công Ấn Độ, chim trĩ 7 màu, chim trĩ khoang cổ.

Tất cả những loài chim này đã sinh sản thành công và sinh trưởng tốt. Hiện nơi đây đầu tư trang bị máy ấp trứng, xây dựng phòng nuôi nhốt và bước đầu đã cho ra đời nhiều đàn chim non khoẻ mạnh. Anh Long cho biết, việc nuôi thêm một số loài chim đẹp nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách và các nhà khoa học.

Anh Hà cho khỉ đuôi lợn ăn.

Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác quốc tế được thành lập năm 2020, được đưa vào chương trình phục vụ du lịch của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid- 19 nên khu vực này ít người biết đến. ‘Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 500 lượt du khách đến đây tham quan và nghiên cứu những loài động vật quý hiếm này.

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có tổng diện tích tự nhiên hơn 30.000 ha, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Tân Biên. Mục tiêu, nhiệm vụ của Vườn là bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng dày bán ẩm, đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó là bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được nhà nước quy định bảo vệ, nhằm duy trì nguồn gen phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học và các mục đích khác.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát còn có mục tiêu bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia như Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam… Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát mới có 3 phân khu chức năng.

Thứ nhất là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt gồm 10.615,16 ha thuộc các xã Tân Bình, Tân Lập. Thứ 2 là phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 19.277,51 ha thuộc các xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp, Thạnh Tây, Thạnh Bắc và Thạnh Bình. Thứ ba là phân khu dịch vụ hành chính có diện tích 130,46 ha thuộc 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Thạnh Tây và Thạnh Bắc.