Chuyển đổi sang phát triển xanh và bền vững sau đại dịch

Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới mục tiêu hướng đến phát triển bền vững song song với chống biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh những thuận lợi, nước ta cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững, do vậy đòi hỏi có sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.

Giảm phát thải khí nhà kính

Trước những thách thức và nguy cơ đặt ra cho nền kinh tế từ vấn đề môi trường, Việt Nam đã có những chủ trương, đường lối, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu phát triển bền vững nhằm bắt kịp với xu thế phát triển mới của thế giới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Các cột tháp và turbine điện gió của Nhà máy Điện gió Hướng Tân, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VŨ DUNG

Nhằm thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ điện than-chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu.

Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo

Những nỗ lực kiểm soát nguồn ô nhiễm cũng được các bộ, ban, ngành thực hiện chặt chẽ, bảo đảm quy trình, chất lượng và hiệu quả. Hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước cũng có những chỉ số tích cực. Theo thống kê của ngành tài nguyên và môi trường, cả nước hiện có 250/280 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 219/250 khu công nghiệp đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải. Đặc biệt, tại các địa phương đã phối hợp, thực hiện cam kết đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ và sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai), trong đó có 22 tỉnh, thành phố trên 3 lưu vực sông đã triển khai thực hiện và 16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông, quyết xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo TS Đỗ Nam Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường: “Hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế và các cam kết môi trường toàn cầu là một việc không dễ thực hiện, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Ở các nước này, nhu cầu phát thải trong mô hình tăng trưởng truyền thống còn tiếp tục tăng, trong khi nguồn lực để chuyển đổi sang dạng thức phát triển xanh còn nhiều hạn chế”. TS Đỗ Nam Thắng khẳng định, mặc dù hành trình này gặp không ít thách thức song Việt Nam cũng đã và đang có nhiều cơ hội để hiện thực hóa các cam kết của mình. Các nguồn lực dồi dào trong nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế sẽ là động lực lớn để chúng ta có thể đồng thời chuyển đổi sang phát triển xanh và phát triển bền vững sau đại dịch.

Trên phương diện quốc tế, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá ấn tượng. Quá trình này cần được tăng cường để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo có thể trở thành nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng năng lượng ở Việt Nam”.

Theo Bà Wiesen, tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá hiệu quả, cả về năng lượng mặt trời và gió. Quá trình này đã diễn ra trước đây và nay cần phải được tăng cường để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo có thể trở thành nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng năng lượng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, than vẫn là nguồn nhiên liệu đóng góp phần lớn cho lĩnh vực năng lượng, vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, đòi hỏi than phải được loại bỏ dần dần. Việc loại bỏ than đá cần phải được tiến hành phù hợp với tiến trình mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Điều này sẽ đòi hỏi một số cải cách, mở rộng đối với lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Bên cạnh đó, để trở thành quốc gia tiên phong trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn song song với phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng cần tuyên truyền nhiều hơn, rộng rãi và quyết liệt hơn nhằm thay đổi lối tư duy, nhận thức về rác thải nhựa, đồng thời phát triển thị trường thứ cấp để có thể tái sinh và tái sử dụng loại rác thải này.