Ngây ngất trong Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai trước lo ngại cầu Mã Đà đi qua

Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai là mái nhà chung của hơn 1.400 loài thực vật, là môi trường sống lý tưởng cho 1.781 loài đang ở đây nhưng đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng trước đề xuất xây dựng cầu Mã Đà kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành.

Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai rộng 969.993 ha, gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông, trong đó 80% diện tích bảo tồn nằm ở tỉnh Đồng Nai. Trong khu có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như voi châu Á, bò tót, gấu chó…, đặc biệt là loài tê giác một sừng và các loài cây quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương… (Ảnh: quehuongonline.vn).
Vùng đất này còn ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng với hơn 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, góp phần tạo nên những nét độc đáo không thể lẫn được với bất kỳ vùng đất nào khác. Khu DTSQ Đồng Nai còn ẩn chứa các giá trị văn hóa như di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có niên đại từ thế kỷ thứ 3 – đến thế kỷ thứ 6 với bộ Lynga – Yoni lớn nhất khu vực Đông Nam Á và còn nhiều điều bí ẩn đầy thách thức đối với các nhà khoa học (Ảnh: Báo Lâm Đồng).
Thiên nhiên đã rất ưu ái khi ban tặng cho vùng đất này những món quà vô cùng quý giá như: Hệ đất ngập nước Bàu Sấu, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An, những khu rừng nguyên sinh với không biết bao nhiêu hệ thực vật quý hiếm… Tất cả đều góp phần tạo nên một màu sắc vô cùng riêng biệt và hấp dẫn du khách. Đặc biệt là khu vực Bàu Sấu, được Công ước Ramsar quốc tế – UNESCO công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1499 của thế giới. (Ảnh: Vùng đất ngập nước Bàu Sấu – quehuongonline.vn).
Vùng đất ngập nước Bàu Sấu còn có tác dụng điều tiết nguồn nước cho Hồ thuỷ điện Trị An, giữ các chất lắng đọng, chất độc và cung cấp nguồn nước cho hơn 15 triệu người dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản dọc lưu vực sông Đồng Nai.
Đường vào Bàu Sấu (Ảnh: Báo Đồng Nai).
Được ví là lá phổi xanh giữa miền Ðông Nam Bộ với thiên nhiên hùng vỹ và thơ mộng, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai luôn làm hài lòng du khách đến thăm.
Nhiều loại động vật quý hiếm hiện được bảo tồn ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Khu Dự trữ sinh quyền Đồng Nai là một địa chỉ du lịch mới chứa đựng nhiều tiềm năng và rất gần các đô thị lớn trong khu vực. Khu bảo tồn có các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, rừng tự nhiên và các hồ nước lớn, nổi bật là hồ Trị An; công viên đá với diện tích 160ha, có nhiều tảng đá lộ thiên xen lẫn cây rừng, tạo thành một quần thể đá tự nhiên với nhiều hình thù lạ mắt hấp dẫn. Du khách tham quan Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, nếu may mắn sẽ được chiêm ngưỡng những loài thú, động vật hoang dã đi ăn vào ban ngày như: Cheo cheo nam dương, sóc, gà lôi hông tía, gà rừng, chích chòe lửa… (Ảnh: Đánh cá trên hồ Trị An – quehuongonline.vn).
Nhiều trang du lịch hướng dẫn rằng: “Nếu có cơ hội, bạn đừng bỏ lỡ khoảnh khắc ngủ qua đêm trên hồ nước mênh mông, cảm nhận từng cơn gió đêm se lạnh, hít thở không khí trong lành và ngắm ánh trăng khi sáng khi mờ đầy huyễn hoặc. Lúc này, mọi muộn phiền, căng thẳng trong cuộc sống của bạn cũng sẽ bay theo gió trời, tan trong hư vô, chìm sâu vào con nước tĩnh lặng” khi nói về hồ Trị An.
Động vật sống trong Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai mang vẻ đẹp khiến lòng người ngây ngất.
Động vật sống trong Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai mang vẻ đẹp khiến lòng người ngây ngất.
Thiên nhiên thơ mộng trong lá phổi xanh của vùng Đông Nam Bộ.
Mới đây, tỉnh Bình Phước muốn làm cầu Mã Đà kết nối với sân bay Long Thành để phát triển kinh tế, theo đề xuất này thì dự án sẽ tác động đến khoảng 44 ha Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch MABVN cho rằng, Việc xây đường, cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, vi phạm Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, kế hoạch Hành động Lima 2016-2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.