Kiểm điểm tập thể, cá nhân vụ phá rừng để nuôi gà, trồng thanh long trong rừng bảo tồn

Bên cạnh việc kiểm điểm tập thể, cá nhân để xảy ra vụ phá rừng đặc dụng, lấn chiếm đất để nuôi gà, trồng thanh long trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Thuận cũng tiến hành thông báo truy tìm đối tượng tác động rừng.

Chiều 27-4, tại buổi giao ban báo chí tỉnh Bình Thuận tháng 4-2022, đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận có những thông tin phản hồi xung quanh việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng thanh long tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, mà Báo Người Lao Động đã phản ánh trong tháng 3-2022

Ông Hồ Thiện Đang, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, cho biết qua kiểm tra hiện trường vụ việc Báo Người Lao Động phản ánh, khu vực rừng bị phá, chiếm đất trái pháp luật là rừng đặc dụng, xảy ra tại lô 1, 5, 8, khoảnh 4, tiểu khu 305B, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu. Tổng diện tích rừng bị phá và đất rừng bị chiếm là hơn 4.200 m2 (diện tích rừng bị phá hơn 722 m2 và đất rừng bị lấn chiếm hơn 3.500 m2). Hiện, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng dựng chuồng nuôi gà, dựng lán trại trên khu vực rừng bị tác động và đã tiến hành tháo dỡ.

Chuồng gà dựng trên đất rừng bảo tồn. Ảnh chụp tháng 3-2022.

Riêng số thanh long trồng trên rừng bị tác động, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận xác định có tổng cộng 175 trụ thanh long trồng trên diện tích hơn 1.000 m2 đất rừng. Còn đối tượng trồng thanh long trên đất rừng lấn chiếm thì Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu và UBND xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) chưa xác định được.

Cây rừng ngã xuống, thanh long mọc lên. Ảnh chụp tháng 3-2022

Tại cuộc họp, phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi vì sao đối tượng chặt hạ cây rừng để kéo trụ bê tông vào trồng thanh long trong rừng đặc dụng nhưng đơn vị bảo vệ rừng không sớm phát hiện, ngăn chặn, trong khi Trạm bảo vệ rừng Tân Thành chỉ cách hiện trường hơn 1 km? Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, các vụ phá rừng trong khu vực này khó truy tìm đối tượng vì đa số hành vi phá rừng diễn ra vào ban đêm. Đơn vị này cũng cho rằng sau khi phá rừng, các đối tượng cũng trồng thanh long trên đất rừng vào ban đêm nên rất khó phát hiện xử lý (?!).

Ông Hồ Thiện Đang, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, thông tin tại cuộc họp

Liên quan đến xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại lô 1, 5, 8, khoảnh 4, tiểu khu 305B, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu từ tháng 6-2021 đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu đã kiểm điểm trách nhiệm ban lãnh đạo cùng Trạm trưởng và nhân viên bảo vệ rừng Tân Thành. Hiện, các đơn vị đang chuyển hồ sơ vụ việc cho UBND xã Tân Thành ra thông báo xác minh truy tìm đối tượng.