Chỉ còn 3% bề mặt trái đất chưa bị con người đụng tới

Kết quả một nghiên cứu khoa học mới công bố, chỉ khoảng 3% bề mặt trái đất còn nguyên vẹn về mặt sinh thái và không bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người.

Phát hiện mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Forest & Global Change cho thấy, tỷ lệ bề mặt trái đất chưa bị con người xâm lấn tiếp tục sụt giảm mạnh so với các tính toán trước đây dựa trên hình ảnh vệ tinh là từ 20% ​​đến 40% hệ sinh thái trên đất liền chưa bị các tác động của con người.

Trong lần nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc khảo sát cặn kẽ hơn so với các lần trước đây về độ che phủ rừng, cũng như sự suy giảm quần thể của các giống loài động- thực vật trong tự nhiên để hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra ở bên dưới những tán cây còn là bí ẩn trên thế giới.

Một đám cháy rừng do con người gây ra để lấy đất trồng đậu nành và chăn thả gia súc thuộc rừng Amazon, phía nam bang Para, Brazil, hồi tháng 8 năm 2020. Ảnh: CNN

Andrew Plumptre, chuyên gia bảo tồn sinh học tại Đại học Cambridge, cho biết: “Tôi đặc biệt ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ đất đai còn nguyên sơ chưa bị con người chạm tới xuống nhanh tới mức như vậy. Và điều thật đáng sợ là khi thế giới của chúng ta trông vẫn nhỏ bé như cách đây 500 năm”.

Thuật ngữ hệ sinh thái mô tả các mối quan hệ phức tạp trong một quần thể tự nhiên, giúp duy trì sự đa dạng lành mạnh và cân bằng cuộc sống. Nếu chỉ mất một hoặc hai loài quan trọng thì toàn bộ hệ thống có thể tan rã.

Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ bề mặt trái đất cũng như môi trường sống vẫn còn nguyên sơ- là nơi sinh sống của đầy đủ các loài bản địa còn đến ngày nay, tương tự như vào năm 1500, hầu hết chỉ được tìm thấy ở một số nơi thuộc sa mạc Sahara; đông Siberia; vùng lạnh giá thuộc Greenland và phía bắc Canada.

Một bức ảnh chụp bằng máy bay không người lái cho thấy quang cảnh trên không của Vườn quốc gia Rừng ngập mặn Igneada ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 năm 2020. Ảnh: VCG

Trong khi đó, các sinh cảnh nguyên vẹn khác còn lại trên trái đất đã trải qua nhiều biến động, áp lực lớn từ nạn phá rừng và phát triển sản xuất của con người, bao gồm rừng mưa nhiệt đới Amazon ở Mỹ Latinh. Các tác giả cho rằng, những khu vực này nên được ưu tiên bảo tồn trong tương lai, mặc dù hiện tại mới chỉ có 11% đang được bảo vệ.

Thậm chí một số nhà khoa học còn tin rằng, nạn diệt chủng hàng loạt lần thứ sáu đang diễn ra nhanh chóng và con người là thủ phạm chính khiến xóa sổ hàng trăm loài và đẩy nhiều loài khác đến bờ vực tuyệt chủng thông qua hoạt động buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm, mất môi trường sống và sử dụng các chất độc hại.

Stuart Pimm, một nhà khoa học bảo tồn tại Đại học Duke (vương quốc Anh) cho biết: “Chúng ta cần những hành động thiết thực để đảm bảo các giống loài và hệ sinh thái có thể tồn tại”.

Vào tháng Giêng năm nay, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã cảnh báo rằng sự gia tăng của biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang đe dọa sự tồn tại của tất cả các giống loài trên hành tinh, trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới không có hành động khẩn cấp.

Tiếp sau đó, một nghiên cứu khác gần đây của mạng lưới World Wide Fund for Nature cho thấy các quần thể động vật hoang dã trên thế giới đã giảm trung bình 68% chỉ trong hơn 4 thập kỷ, do sự tiêu dùng tài nguyên quá mức của con người.

Paul de Zylva, nhà phân tích phát triển bền vững cấp cao của tổ chức Friends of the Earth cho biết: “Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy còn rất ít bề mặt hành tinh của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn hoặc bị tác động bởi con người do các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu khí và lấn chiếm đất sản xuất”.