Quảng Bình triển khai trồng 100ha rừng đầu nguồn Sông Gianh bằng cây bản địa

Ngày 21/3, tại xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Công ty trách nhiệm hữu hạn xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam phối hợp Trung tâm nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức khởi động năm thứ 2 dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh.

Đại biểu tham gia trồng rừng đầu nguồn sông Gianh (Quảng Bình) bằng cây bản địa.

Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam Ngô Văn Hồng cho biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song dự án đã trồng được 80ha rừng với các giống cây bản địa như: de, lát hoa, lim, sưa đỏ, huỵnh tại huyện Tuyên Hóa. Vì thế, năm 2022, các đơn vị tổ chức dự kiến trồng 100ha rừng cây bản địa tại 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; đồng thời, mở rộng hoạt động ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Hòa Bình… nhằm đạt mục tiêu trồng 1.000ha cây rừng bản địa vào năm 2030.

Được biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam thành lập cuối năm 2020, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chủ yếu là vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa.

Đến đầu năm 2022, đơn vị đã nhận được hơn 2,6 tỷ đồng từ sự đóng góp quỹ của cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia của các nghệ sĩ và nhiều người dân góp phần vào thực hiện mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tự trồng, bảo vệ cây xanh với thông điệp “Góp một cây để có rừng”, “Người là cây, cây là người”.

Với dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh”, mục tiêu là khôi phục rừng tự nhiên bằng hình thức trồng cây rừng bản địa thông qua vận động cộng đồng đóng góp 50.000 đồng/cây lâm nghiệp bản địa. Cùng với trồng rừng bằng cây bản địa, người dân có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông, lâm kết hợp dưới tán rừng để bảo đảm sinh kế trước mắt cũng như lâu dài.

Ngoài trồng rừng, dự án còn tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, vận động người dân không chỉ tiếp nhận các hoạt động của dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.