Đến lượt Argentina tạm dừng xuất khẩu đậu nành

Chính phủ Argentina đã ra quyết định tạm dừng hoạt động xuất khẩu dầu đậu nành và bột đậu nành, quyết định được dự báo sẽ làm chao đảo thị trường đậu nành thế giới.

Quyết định tạm dừng xuất khẩu đậu nành của Argentina được dự báo sẽ làm chao đảo thị trường thức ăn chăn nuôi và dầu ăn thế giới. Ảnh: Nasdaq

Theo Reuters, chính phủ quốc gia Nam Mỹ cho biết tin này trong một tuyên bố hôm 14/3, và ngay lập tức nó đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ ngành công nghiệp xuất khẩu các sản phẩm đậu nành chế biến trên thế giới.

Theo đó động thái này sẽ ngừng bán và xuất khẩu đậu nành của niên vụ 2021/22, tuy nhiên trên thực tế hoạt động này đã bị đình đốn vì mùa vụ chưa tới. Quyết định của Argentina, quốc gia xuất khẩu các sản phẩm đậu nành hàng đầu thế giới, có thể sẽ làm chao đảo thị trường đậu nành thế giới, vốn đã chứng kiến ​​giá cả tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraine.

Giá đậu nành kỳ hạn của Mỹ đã tăng hơn 2,2% ngay sau thông báo của Argentina, trong khi giá dầu đậu nành kỳ hạn giảm 1,26%.

Theo cơ quan vận tải NABSA, xuất khẩu trung bình hàng tháng của Argentina đạt 1,5 triệu tấn bột đậu nành và 300.000 tấn dầu đậu nành vào năm 2021.

Trong khi đó theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quốc gia này được dự báo sẽ chiếm 41% lượng xuất khẩu bột đậu nành toàn cầu và 48% sản lượng xuất khẩu dầu đậu nành thế giới trong niên vụ 2021-22.

Trước đó, dữ liệu của chính phủ Argentina cho thấy khoảng 5 triệu tấn dầu đậu nành và các sản phẩm phụ từ đậu nành khác đã được đăng ký chính thức để xuất khẩu. Nguyên nhân tạm dừng xuất khẩu đậu nành, theo Cơ quan Chế biến và Xuất khẩu hạt có dầu Argentina (CIARA, đại diện cho ngành công nghiệp), chính phủ đã ra quyết định tạm dừng đăng ký xuất khẩu vì cơ quan này cáo buộc rằng chính phủ muốn tăng “hai điểm” thuế quan đối với hàng xuất khẩu.

“Điều này là hoàn toàn trái ngược với lợi ích xuất khẩu của đất nước. Ngoài ra nó còn bất hợp pháp, và sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và việc làm trong chuỗi sản xuất đậu nành quốc gia”, Hội đồng nhà nước Argentina cho biết trên Twitter.

Cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục khiến cho nhiều nền kinh tế buộc phải điều chỉnh chính sách để đối phó lạm phát. Ảnh: RT

Theo các nguồn tin, tuyên bố của chính phủ không đề cập đến thuế xuất khẩu, mặc dù đây là điểm nhạy cảm và căng thẳng từ lâu với nông dân và các nhà xuất khẩu. Chính phủ Argentina đang phải đối mặt với các khoản nợ cao, cần nguồn thu bằng đồng đô la và từ thuế từ việc bán đậu nành, mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng đầu của đất nước.

Dầu và bột đậu nành xuất khẩu của Argentina hiện đang bị đánh mức thuế tới 31%. Niên vụ đậu nành năm 2021/22 của nước này ước tính đạt khoảng 40 – 42 triệu tấn, mặc dù đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán vào đầu năm.

Các nhà kinh doanh đậu nành cho biết, việc tạm dừng xuất khẩu đột ngột của Argentina sẽ khiến các nhà nhập khẩu mặt hàng này phải chuyển hướng đến đối thủ Mỹ và Brazil để tìm nguồn cung thay thế.

“Người mua không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ hoặc tìm đến các nguồn cung cấp mới. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu đối với các sản phẩm từ đậu nành của Mỹ sẽ cao hơn. Ở khu vực Đông Nam Á, những nhà nhập khẩu như Indonesia, Malaysia và Thái Lan vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào đậu nành của Argentina”, một thương nhân ở Singapore cho biết.

Trong một diễn biến liên quan, hôm qua gã khổng lồ kinh doanh hóa chất nông nghiệp Đức Bayer tuyên bố chấm dứt hoạt động kinh doanh nông sản và y tế không thiết yếu ở Nga và Belarus. Lý do được đưa ra là do Nga “gây hấn” tại Ukraine. Theo đó, đại diện công ty cho biết, sẽ chỉ giữ lại các mảng thiết thiết yếu phục vụ dân thường – như các thuốc điều trị ung thư hoặc tim mạch, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em cũng như hạt giống để trồng sản xuất nông nghiệp. “Còn các lĩnh vực kinh doanh sinh lời khác sẽ chỉ nhân thêm tổn thất và thiệt hại của chiến tranh đối với cuộc sống con người”, Bayer cho biết.