Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Nhằm đánh giá tình hình thực hiện Dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) và có những điều chỉnh kịp thời, ngày 12/03 vừa qua, ông Hoàng Sĩ Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của Ban quản lý các dự án lâm nghiệp Trung ương, các chuyên gia tổ chức tư vấn cùng các Sở ban ngành địa phương và các Ban quản lý dự án (BQLDA) FLITCH liên quan.

Dự án phát triển lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 06/2006 theo Quyết định 813/2006/QĐ-TTg để cải thiện đời sống đồng bào Tây Nguyên, với mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói của các hộ dân sống dựa vào rừng, tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng đặc biệt cho cộng đồng và hộ dân cư, phát triển trồng rừng có năng suất cao, trồng rừng phòng hộ … nhằm tăng khả năng cung cấp gỗ, lâm sản và thu nhập của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời dự án cũng góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng và giải quyết nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế – xã hội vùng dự án gồm 60 xã của 6 tỉnh: KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên và Lâm Đồng.

Đây là một dự án có qui mô lớn với tổng mức đầu tư gần 84 triệu USD, gồm vốn đồng tài trợ không hoàn lại 19%, vốn vay ưu đãi ODA từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn đối ứng từ ngân sách TW và địa phương 21,7% và đóng góp của người hưởng lợi bằng công lao động và hiện vật khoảng 11,7%. Thời gian thực hiện dự án là 8 năm (2006-2014). Dự án này gồm 4 hợp phần: Hợp phần phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; Hợp phần Cải thiện sinh kế; Hợp phần Xây dựng năng lực kỹ thuật đánh giá; Hợp phần Quản lý dự án.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm quyết định 166/2007/QĐ-TTg ngày 30/07/2007 ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư và hưởng lợi đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức tham gia dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”. Theo chính sách này, đối với rừng phòng hộ, người dân sẽ được hỗ trợ 7USD/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng; 15USD/ha/năm cho khoanh nuôi không trồng bổ sung và 200USD cho năm đầu nếu có trồng bổ sung; (2 năm tiếp theo hỗ trợ 30USD, và 15USD cho các năm còn lại). Đối với trồng rừng mới tập trung hỗ trợ bình quân 500USD/ha. Đối với rừng sản xuất cũng hỗ trợ 500USD/ha trồng rừng cây mọc nhanh, 300USD/ha trồng nông lâm kết hợp và 70USD/ha cải tạo vườn tạp.

Đặc biệt theo quyết định 166, chủ rừng còn được phép khai thác tận thu tận dụng những cây gỗ chết khô, cây sâu bệnh, cây gãy đổ và cây ở những nơi có mật độ dày hơn qui định đối với rừng đặc dụng; được khai thác cây trồng xen tỉa thưa và được hưởng 100% giá trị sản phẩm; khi rừng đạt chuẩn phòng hộ thì được chặt và hưởng lợi giá trị sản phẩm.. Đối với rừng sản xuất là rừng trồng thì ngoài sản phẩm trong quá trình nuôi dưỡng, khi đến tuổi khai thác chủ rừng nộp 150USD/ha vào quỹ phát triển và hưởng toàn bộ sản phẩm. Riêng đối với diện tích trồng nông lâm kết hợp, cải tạo vườn tạp thì chủ hộ được hưởng toàn bộ sản phẩm khai thác. Bộ Tài chính cũng đã có thông tư 151/2007/TT-BTC ngày 17/12/2007 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và giải ngân đối với Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên.

Tham gia vào Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống cho người dân vùng Tây Nguyên, riêng tỉnh Lâm Đồng có 10 xã thuộc 3 huyện Lạc Dương, Di Linh, Đam Rông. Triển khai dự án, đến nay tỉnh Lâm Đồng đã thành lập được Ban QLDA cấp tỉnh; các huyện cũng đã thành lập các Ban QLDA FLitch cấp huyện, xã. Trong năm 2008 vừa qua, Ban QLDA tỉnh đã triển khai thực hiện được một số nội dung cơ bản như: Chuẩn bị như xây dựng kế hoạch theo trình tự biểu mẫu qui định, điều tra tài nguyên rừng, xây dựng bản đồ lập địa cấp I, II, qui hoạch sử dụng đất, phân định ranh giới và giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng, xây dựng kế hoạch tổng thể cấp xã; thực hiện các hợp đồng mua sắm trang thiết bị văn phòng, thiết bị thông tin liên lạc, hỗ trợ đào tạo và triển khai trồng rừng 31,57 ha tại Đam Rông, với tổng kinh phí thực hiện được là 4,1 tỷ/4,347 tỷ (94%).

Tại buổi thảo luận góp ý sau hai năm triển khai dự án, ông Lê Văn Đạo, Chủ tịch UBND huyện Di Linh- một trong 3 địa phương tham gia dự án ở Lâm Đồng cho rằng, dù mới đi được một phần năm chặng đường nhưng bà con nông dân tham gia dự án ở địa phương này tỏ ra rất tin tưởng vào hiệu quả của nó mang lại. Còn theo lời khẳng định của ông Trần Thanh Bình, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Lâm đồng thì tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng và đất rừng của Lâm Đồng chắc chắn sẽ giảm đi nhiều trong thời gian tới vì những người tham gia phá rừng lấy gỗ, chiếm đất trước đây nay đã là những thành viên trực tiếp bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Bằng chứng rõ nhất cho thực tế này là sau hai năm thực hiện dự án, mặc dù chưa được hưởng lợi nhiều nhưng hầu hết những diện tích đất lâm nghiệp vùng dự án đã không bị xâm phạm.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Sỹ Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhìn nhận, do Lâm Đồng là địa phương có địa bàn hiểm trở, mặt bằng dân trí tại những vùng triển khai dự án thấp nên nhiều hợp phần của dự án qua hai năm triển khai vẫn chưa đạt được kết quả tốt nhất như đã đề ra. Tuy nhiên với quyết tâm thực hiện thắng lợi dự án, trong năm 2009 này, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA cấp tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện hợp phần sinh kế để người dân tại các địa phương có dự án thực sự được hưởng lợi, tập trung giải quyết ngay các thủ tục để triển khai trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng kịp thời ở huyện Di Linh, Đam Rông. Riêng đối với một số vướng mắc về cơ chế, Lâm Đồng sẽ tiếp tục trình các Bộ ngành TW để chung tay tháo gở; mức đầu tư cũng cần được các chuyên gia Tư vấn nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, kinh phí cần được ADB giải quyết tạm ứng để các Ban QLDA có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, sau 2 năm khởi động, Dự án Phát triển lâm nghiệp ở Lâm Đồng mặc dù chưa mang lại hiệu quả thiết thực bằng những con số cụ thể nhưng nó đang mở ra một cơ hội mới cho bà con dân tộc các huyện thuộc dự án có thể hy vọng phát triển kinh tế và thoát nghèo bằng chính các hoạt động lâm nghiệp của mình.