Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời bị “kẹt”

Các dự án điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai có thể sẽ tạm dừng nếu đề nghị của Bộ Công Thương được phê duyệt.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện. (Ảnh: TL)

Nhiều dự án bị “kẹt”

Cụ thể, vừa qua Bộ Công Thương vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt nhưng chưa triển khai.

Đối với các dự án đã được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) theo quyết định 13 và quyết định 39, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành, với quy trình theo quy định.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, công suất các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch hiện là 11.921MW. Trong số này, có 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất là 8.171,475MW.

Điều các doanh nghiệp quan tâm nhất chính là nguyên tắc xác định giá phát điện. (Ảnh: TL)

Các dự án và phần dự án đã đi vào vận hành thương mại (COD) trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2021 là 84 dự án với tổng công suất là hơn 3.980 MW. Trong số này có 15 dự án đã COD được một phần công suất là hơn 325 MW và tổng công suất chưa COD là hơn 1.031 MW.

Đối với các dự án điện mặt trời đến hết năm 2020 đã có 148 dự án đã được công nhận COD với tổng công suất là hơn 8.652 MW. Con số này cũng còn kém xa tổng số công suất điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là 15.400 MW.

Hết ưu đãi giá rẻ

Điều các doanh nghiệp quan tâm nhất chính là nguyên tắc xác định giá phát điện. Theo dự thảo mới, giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được xây dựng trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý của chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án và tỉ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) tối đa 12%.

Theo chia sẻ một số chuyên gia và nhà đầu tư, IRR 12% này được mang từ mô hình tính toán cho các dự án nhiệt điện, thủy điện sang và đây là trần chung nên sẽ khó có chuyện nới cho riêng năng lượng tái tạo. Nhất là trong hoàn cảnh giá FIT được các cơ quan thanh, kiểm tra cho là không đúng với quy định của Luật Giá.

Cụ thể, các dự án điện mặt trời và điện gió khi áp dụng giá FIT thì IRR thu được từ 15 đến 20% tùy vào thời điểm và địa điểm xây dựng. Vì thế khi IRR giảm còn 12% thì lợi nhuận cũng giảm khá so với khi được áp dụng giá FIT trước đây.

Nhà đầu tư điện gió có dự án chưa kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021 chia sẻ lo lắng nguy cơ phá sản vì thiệt hại và các khoản vay đến hạn phải trả. Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng, dù đã hết thời hạn hưởng giá FIT song các cơ quan hữu quan đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mới cho các dự án chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 khiến nhà đầu tư lo gánh nặng nợ vay.

Các nhà đầu tư cho rằng, nếu không có chính sách tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thì không chỉ có chủ đầu tư mà các nhà thầu trong nước và quốc tế có nguy cơ phá sản.