Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ bảo vệ rừng

Ngay khi thành lập vào năm 2004, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (VQG) được giao thực hiện 9 nhiệm vụ: Bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; Phục hồi sinh thái rừng; Phòng cháy, chữa cháy rừng; Nghiên cứu khoa học; Phát triển du lịch sinh thái… Trong quá trình xây dựng và phát triển của Vườn, nghiên cứu khoa học được xem là nhiệm vụ then chốt nhất để hỗ trợ cho toàn bộ các nhiệm vụ khác.

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là không gian rộng lớn cho các nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng

Gần 20 năm, VQG Bidoup – Núi Bà đã triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ để phục vụ mục tiêu quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển kinh tế cộng đồng. Trong đó có thể kể một số đề tài lớn như: “Thực nghiệm các giải pháp phòng, chống cháy rừng trên địa bàn VQG Bidoup – Núi Bà” với mục tiêu nghiên cứu các nguyên nhân gây cháy rừng, các biện pháp kỹ thuật phòng, chống cháy rừng phù hợp để góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật kiểm soát lửa rừng nhằm phòng, chống cháy rừng hiệu quả. Kết quả của đề tài đã thiết lập bảng phân loại mức độ cháy rừng thông ba lá theo khối lượng vật liệu cháy và hệ số khả năng bắt cháy; đồng thời, kiến nghị bổ sung vào quy trình kiểm soát cháy rừng đối với rừng thông ba lá Lâm Đồng, đề xuất các giải pháp phòng, chống cháy rừng đối với VQG Bidoup – Búi Bà.

Đề tài “Điều tra, đánh giá, phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng” đã phát hiện và mô tả được 6 bộ, 14 họ, 23 chi, 65 loài với 30 loài nấm ăn được và 35 loài nấm độc trong khu vực nghiên cứu. Đồng thời, đã xây dựng bộ mẫu vật với 23 mẫu khô, 54 mẫu tươi. Kết quả của đề tài đã đóng góp cơ sở dữ liệu làm tiền đề để xây dựng cẩm nang các loài nấm ăn được và nấm độc cho Lâm Đồng. Qua đó cũng tiến hành phân lập và nhân giống thành công 3 loài nấm ăn được là Dẻ xanh (Russula virescens), Dẻ đỏ (Russula paludosa), Kaki nâu (Suillus luteus) trên môi trường PGA cải tiến.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ địa không gian để quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang” (DTSQTG) đã phân tích được các biến động tài nguyên thiên nhiên trong Khu DTSQTG LangBiang và xác định được 5 xu hướng biến đổi tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Từ đó, đã xây dựng được các quy trình ứng dụng công nghệ địa không gian, cụ thể đã hiệu chỉnh và ứng dụng phần mềm FMS 2018 để phát hiện sớm suy thoái rừng, mất rừng, phát hiện sớm khai thác khoáng sản trái phép tại Khu DTSQTG Langbiang.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và nuôi trồng cây sói rừng (Sarcandra glabra) làm dược liệu tại Lâm Đồng” đã khảo sát xác định vùng phân bố tự nhiên, ước lượng diện tích vùng phân bố, ước tính trữ lượng của cây sói rừng ở Lâm Đồng. Đã định tính được 10 hợp chất chính trong cây sói rừng; phân lập, xác định và định lượng hợp chất isofraxidin trong cây sói rừng. Qua khảo nghiệm đã xây dựng được quy trình nhân giống và nuôi trồng sói rừng, quy trình thu hái và sơ chế nguyên liệu, kết hợp với kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học, xây dựng tiêu chuẩn về cơ sở thu hái, sơ chế và tiêu chuẩn cơ sở dược liệu cây sói rừng ở Lâm Đồng.

Bên cạnh các đề tài khoa học, công nghệ (KHCN) cấp tỉnh, Vườn đã thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước như: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây Magic-S tại vùng đệm Khu DTSQTG LangBiang”; “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan – đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu DTSQTG LangBiang”; “Phân lập và chọn lọc vi sinh vật sinh enzyme ngoại bào từ một số khu vực của VQG Bidoup – Núi Bà để xây dựng phương pháp bảo tồn lưu giữ nguồn sinh vật này phục vụ cho các ứng dụng trong phát triển các chế phẩm phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững”.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao KHCN, đến nay, Vườn đã hợp tác với hơn 20 viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới để nghiên cứu về các vấn đề như: biến đổi khí hậu thông qua vòng năm của cây rừng, đa dạng các loài họ chè ở Lâm Đồng, đa dạng di truyền quần thể các loài chim trong họ công trĩ và họ khướu, đa dạng các loài thú và chim sống ở mặt đất…

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển kinh tế cộng đồng ở vùng đệm; công bố các phát hiện mới về khoa học cho hơn 50 loài thực vật và 5 loài động vật tại Vườn.

Theo ThS.Trương Quang Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế rừng nhiệt đới – Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, trong thời gian tới, Vườn tiếp tục điều tra, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học phục vụ quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, giáo dục, du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, đưa cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tham gia thị trường NFT (Non-Fungible tocken). Tập trung nghiên cứu các giải pháp để phục hồi các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm để từng bước phục hồi các hệ sinh thái đã bị tác động. Nghiên cứu, tuyển chọn, phát triển và chuyển giao công nghệ về nhân giống, gây trồng các nhóm thực vật có giá trị dược liệu cao. Tiếp tục nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ mới để phục vụ cho quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Quan trắc, giám sát, quản lý các loài ngoại lai xâm hại. Nghiên cứu định lượng khả năng hấp thụ cacbon của các kiểu rừng; nghiên cứu về cổ khí hậu thông qua vòng năm cây rừng để phục vụ quản lý thích ứng; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái và các loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm; ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ số vào dự báo nguy cơ cháy rừng.