Cần hệ thống tích hợp các điểm đỏ về thiên tai

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh phải giảm thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất, tuyệt đối không được chủ quan, không để rơi vào tình huống bị động, bất ngờ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh phải giảm thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất, tuyệt đối không được chủ quan, không để rơi vào tình huống bị động, bất ngờ. (Ảnh: Đức Tuân/VGP).

Ngày 20/1, Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Thiệt hại thấp nhất trong 20 năm

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, năm 2021, thiên tai và thảm họa trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, gây thiệt hại lớn về con người, kinh tế, đời sống xã hội. Chỉ riêng thiên tai năm 2021 đã làm hơn 16.000 người chết, thiệt hại hơn 105 tỷ USD trên toàn thế giới.

“Ở trong nước, đã xảy ra tổng số 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố (chưa tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), trong đó đã xảy ra 841 trận với 18/22 loại hình thiên tai”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Đặc biệt là siêu bão số 9 (Rai) hoạt động trên biển Đông và liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12/2021 ở khu vực miền Trung với tổng lượng phổ biến 2.000-3.500 mm gây lũ gần ở mức lịch sử trên các sông ở Bình Định, Phú Yên, ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi.

Năm 2021, thiên tai làm làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường, không theo quy luật, đặc biệt là bão mạnh, mưa lớn cục bộ, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng, các sự cố ngày càng đa dạng về loại hình, mức độ nghiêm trọng, có nguy cơ gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. (Ảnh: Đức Tuân/VGP).

Cho biết thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ, năm 2022 được dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, có thể cao hơn 1,09 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

“Với xu thế nóng lên toàn cầu như vậy thì nguy cơ cao xuất hiện các thiên tai bất thường, nguy hiểm ở các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới dự báo ở mức tương đương trung bình nhiều năm (12-14 cơn bão trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 4-6 cơn). Có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão sớm ảnh hưởng tới Bắc Bộ.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Tháng 2-3/2022, thời tiết ẩm ướt, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù gia tăng so với thời kỳ này hằng năm ở khu vực Bắc Bộ.

Về định hướng nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cho rằng, các số liệu về phòng, chống thiên tai, lụt bão đòi hỏi kịp thời, nhanh chóng, chính xác, cập nhật sớm nên nếu không áp dụng khoa học công nghệ thì sẽ không đạt được yêu cầu.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

“Nếu chúng ta có hệ thống tích hợp các điểm đỏ về thiên tai trong nhiều năm liên tục thì chúng ta sẽ phát hiện ra những vùng gặp rủi ro thiên tai nhiều nhất, từ đó, chúng ta tập trung chỉ đạo đối với những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, để có các giải pháp công trình và phi công trình cho các vùng đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Không chủ quan, không để bị động, bất ngờ 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, năm 2021 là năm triển khai nhiều công việc, là năm đầu nhiệm kỳ, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

“Năm 2021 là năm cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương dồn nhiều sức lực vào phòng chống dịch bệnh và duy trì, phục hồi sản xuất. Công tác ứng phó sự cố, thiên tai cũng vậy, cũng phải vừa kết hợp bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa phòng chống thiên tai”, Phó Thủ tướng nói.

Biểu dương sự nỗ lực, sự phối hợp của các bộ, cơ quan, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng khẳng định, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 là thấp nhất trong vòng 20 năm qua. “Nếu không có sự phối hợp tốt, ứng phó tốt, triển khai tốt, dự báo tốt thì dù thiên tai nhỏ nhưng cũng có thể gây thiệt hại rất lớn”.

Gia đình ông Bùi Hữu Thân (84 tuổi) và bà Võ Thị Nén (64 tuổi) ở xóm 2, thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị ảnh hưởng nặng do đợt thiên tai. (Ảnh: Tùng Đinh)

Theo ông, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã có rất nhiều cố gắng, tiến bộ, chất lượng dự báo ngày càng được cải thiện tốt hơn. Nhiều trận bão hiện nay cơ quan dự báo đã có thể cảnh báo từ trước 5 ngày (trước đây chỉ tối đa 3 ngày) ngay từ khi bão còn ở phía Đông của Philippines và liên tục được cập nhật để thông tin chính xác hơn.

Hệ thống tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã vào cuộc tích cực, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin về diễn biến thiên tai và các biện pháp phòng chống. Phó Thủ tướng nhận định: “Nhiều khi, các địa phương dù chưa nhận được văn bản chính thức mà nghe đài báo là đã tổ chức họp ngay”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề là quy định, quy chế và việc điều hành hồ chứa. “Nếu quy định, quy chế không tốt thì mệnh lệnh sai, điều hành sai”. Do đó, cần rà soát lại hệ thống quy định, quy chế. Cho rằng việc xả lũ không đúng thời điểm thì sẽ ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “cần hết sức chú ý, rà soát lại quy trình, bảo đảm không để vì xả lũ mà gây thiệt hại tính mạng của người dân”.

Thiên tai năm 2021 đã làm hơn 16.000 người chết, thiệt hại hơn 105 tỷ USD trên toàn thế giới. (Ảnh: TL).

Ngoài ra, trước dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu, “tuyệt đối không được chủ quan, cần tập trung cao cho công tác phòng chống thiên tai, triển khai đồng bộ các giải pháp cho năm 2022, phấn đấu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất”. Trong đó, lưu ý không để xảy ra các trường hợp đáng tiếc, “ví dụ, có trận bão nhỏ mà làm chết người”.

Theo đó, đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia và Ủy ban quốc gia, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kỹ công tác năm 2021, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể, các giải pháp phù hợp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2022.

Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai; tiếp nhận thông tin, chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn không để bị động, bất ngờ.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, “nếu chúng ta dự báo được, tiến hành xả nước trước vài ba ngày thì sau trận bão, trận mưa đó, lượng nước trong hồ vẫn đạt mức theo thiết kế, không ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện và không ảnh hưởng đến vùng hạ du”.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất cho phòng chống thiên tai. “Chúng ta cần tiến hành kiểm tra trước tại các điểm xung yếu về hồ, đập, đê điều sớm hơn để gia cố sớm”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố cho người dân. “Phải xác định công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng trong công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn”.